Muốn “thoát Trung” phải đi con đường “khác Trung”

24/07/2014 12:00 - 599 lượt xem

BizLIVE - Đây là chia sẻ của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) khi nhận định về mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và cách để chúng ta giảm phụ thuộc.

Theo ông Trương Đình Tuyển, trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay chuyện phụ thuộc nhau về kinh tế là điều bình thường. Việt Nam phải tận dụng lợi thế riêng để phát triển chủ động.

Hiện nay Việt Nam đang nhập siêu “cực lớn” từ Trung Quốc thông qua hai kênh. Thứ nhất là kênh thương mai, kênh này chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, như sắt thép, hóa chất, linh kiện…

Đơn cử, mỗi năm Samsung Việt Nam xuất khẩu mười mấy tỷ USD nhưng nội địa chỉ khoảng 10%, 90% còn lại là nhập linh kiện từ bên ngoài mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Nguyên nhân chính được cho là do Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ.

Thực tế, Việt Nam đã đề ra chiến lược xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ từ rất lâu nhưng chúng ta chưa có những chính sách thật cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

“Bây giờ chúng ta phải cấp bách làm việc này để giảm dần sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đối với tất cả các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam”, chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Kênh thứ hai là chúng ta để cho Trung Quốc trúng thầu rất nhiều công trình kể cả những công trình có nguồn vốn không phải từ nước ngoài mà sử dụng vốn của Việt Nam hoặc các nguồn vốn ODA của nước khác tài trợ cho chúng ta. Khi trúng thầu, Trung Quốc mang từng con ốc vít sang Việt Nam. Tất cả cái đó đều được tính vào kim ngạch.

TS. Phạm Chi Lan cho rằng, cái này rất cần điều chỉnh, trong điều kiện bình thường cũng cần điều chỉnh huống chi trong lúc căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng.

Theo TS. Lan, nhà nước cũng nên khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia các dự án thầu đó, không nhất thiết cái gì cũng bỏ thầu thành những gói thầu lớn và dành tất cả cơ hội đó cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, đối với nhà thầu, chúng ta đưa ra yêu cầu ràng buộc phải sử dụng nhân công trong nước đến đâu, nguyên vật liệu trong nước có thể cung cấp đến đâu cho các gói thầu đó…

“Cách này vừa có thể cải thiện được chất lượng của các dự án thầu, vừa có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án quan trọng và góp phần phát triển đất nước”, TS. Phạm Chi Lan nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, luật Đấu thầu sửa đổi lấy chất lượng làm tiêu chí đầu tiên, giá rẻ làm tiêu chí thứ hai là rất đúng. Điều này giúp sàng lọc các nhà thầu không đủ năng lực đến từ Trung Quốc mà bài học là nhiều dự án nhà thầu Trung Quốc làm không đúng tiến độ, đội giá hoặc kém chất lượng.

Ông Tuyển cũng ủng hộ Việt Nam gia nhập TPP, thông qua Hiệp định này Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh lại cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc theo hướng chuyển nhập khẩu sang các thị trường TPP, FTA, EU hay Hàn Quốc.

Trước bối cảnh toàn cầu hóa khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định mậu dịch tự do. Điều này đặt ra những thách thức, đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Để tận dụng cơ hội, Việt Nam phải điều chỉnh để làm sao quan hệ với các nước, trong đó có Trung Quốc được cân bằng hơn và tranh thủ được lợi ích tốt hơn của quá trình hội nhập.

TS. Phạm Chi Lan cho rằng, từ trước tới nay Việt Nam không hề có một văn bản pháp lý nào quy định phải mua hàng Trung Quốc ở mức độ này, phải xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức độ kia. Và do đó, thực tế chúng ta đã không kiểm soát được.

“Bây giờ chúng ta phải kiểm soát và điều chỉnh các quan hệ thương mại của mình cho tốt hơn. Điều này sẽ giúp chúng ta đỡ bị lệ thuộc Trung Quốc và tăng cường được lợi ích của nền kinh tế”, TS. Phạm Chi Lan khuyến nghị.

Còn theo ông Trương Đình Tuyển, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý lợi dụng sự thay đổi chính sách để trục lợi dẫn đến thói quen làm ăn manh mún, thiếu chiến lược bài bản. 

Thói quen làm ăn này thể hiện rất rõ qua việc chúng ta xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc quá nhiều.

Để xảy ra thực trạng này, ông Tuyển cho rằng có phần lỗi của nhà nước do chính sách của chúng ta thiếu ổn định. Nhà nước phải khuyến khích và hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo lập một chiến lược dài hạn. 

Khi thể chế, chính sách đã ổn định sẽ “uốn” doanh nghiệp đi theo chiến lược mà chúng ta đã hoạch định.

“Đây là con đường mà chúng ta cần phải đi, không còn con đường nào khác”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Nguồn: Biz Live
Quảng cáo sản phẩm