Mỹ có thể áp quy định phòng vệ thương mại khắt khe
20/04/2011 12:00
Thu Nguyệt
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra 14 đề xuất nhằm tăng cường việc thực thi pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp, do đó có khả năng các nhà xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm tới.
Việc đưa ra đề xuất về các quy định mới này thuộc Sáng kiến xuất khẩu quốc gia của Mỹ nhằm tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm năm tới và tạo thêm hàng triệu việc làm mới.
Mặc dù mới chỉ là đề xuất, nhưng những qui định mới này có thể được chấp thuận và áp dụng trong năm tới, theo ông Andrew B. Schroth, luật sư tại công ty luật GDLSK Hong Kong, cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết trong một hội thảo về phòng vệ thương mại do Cục quản lý cạnh tranh phối hợp Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên tổ chức tuần trước.
Ông Schroth cũng là luật sư tư vấn cho Hiệp hội thủy sản Việt Nam trong 7 năm qua, liên quan đến các vụ chống bán phá giá ở thị trường Mỹ.
Theo đề xuất, sẽ có những thay đổi tạo thêm gánh nặng cho cho doanh nghiệp một khi bị vướng vào các vụ kiện và các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Chẳng hạn, Mỹ sẽ sử dụng biện pháp “chọn mẫu ngẫu nhiên” để lựa chọn các bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra chống bán phá giá cũng như các cuộc rà soát thay vì lựa chọn những nhà xuất khẩu lớn nhất.
“Đây là tin xấu đối với nhà xuất khẩu nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có các doanh nghiệp vừa và nhỏ và họ chưa kịp chuẩn bị”, ông Schroth cho biết.
Hay trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, liên quan đến các nước không được Mỹ công nhận có nền kinh tế thị trường, khi Bộ Thương mại Mỹ sử dụng giá nhập khẩu để định giá một yếu tố sản xuất, giá đó sẽ bao gồm chi phí vận chuyển và bốc dỡ hàng.
Luật sư này cũng đưa ra dự báo về việc sắp tới Việt Nam có thể chịu nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá do các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đang chuyển tới Việt Nam ngày càng nhiều, và tình hình kinh tế khó khăn của Mỹ. Ngoài ra, lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang tăng cao trong khi giá bán giảm, trong đó có mặt hàng may mặc.
Theo số liệu thống kê chính thức của Mỹ, từ tháng 1 đến tháng 8-2010, các mặt hàng may mặc như các loại quần, áo sơ mi, đồ lót Việt Nam xuất vào Mỹ đều tăng từ 6-56% về số lượng và từ 4-53% về giá trị, trong khi đó giá bán đều giảm từ 2-5%, trừ mặt hàng áo sơ mi mã hàng 640. Theo ông Andrew B. Schroth, việc này dẫn đến việc Bộ Thương mại Mỹ đang theo dõi sát sao việc nhập khẩu sản phẩm may mặc.
Ngoài may mặc, một số sản phẩm khác cũng được cảnh báo có thể là đối tượng của các cuộc điều tra mới của Mỹ, như giấy kẻ ô ly, giấy ăn, các sản phẩm nông nghiệp, ống thép dẫn dầu (OCTG), ống thép mạ đồng, các sản phẩm thép carbon, đồ gỗ và da giày.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)