Năm 2008: Dấu ấn quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam- Vương Quốc Anh

05/02/2009 12:00 - 1269 lượt xem

Năm 2008 đã trôi qua với không ít sóng gió do cơn bão tài chính tiền tệ khiến nền kinh tế Anh- một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất EU phải chao đảo và Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng xấu. Mặc dù vậy, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh vẫn đạt được những dấu ấn đáng ghi nhận.
 
Những nét nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam- Anh năm 2008

Năm 2008 là năm có nhiều dấu ấn trên cả 3 phương diện chính trị, ngoại giao và kinh tế- Thương mại giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh. Điều này được thể hiện trong chuyến thăm chính thức Vương Quốc Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu tháng 3 năm nay. Tiếp theo đó là một loạt các chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp chính phủ Anh tới Việt Nam như Bộ trưởng Kinh doanh và Cải cách doanh nghiệp John Hurton, Hoàng Tử Anh, Bộ trưởng Tư pháp Anh cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp chính phủ Việt Nam tới Anh và sắp tới là chuyến thăm Việt Nam của Quốc Vụ Khanh, Bộ trưởng phụ trách thương mại và đầu tư Garesh Thomas- Bộ Kinh doanh và Cải cách thể chế Doanh nghiệp Anh vào những ngày đầu năm 2009.

Nét nổi bật trong quan hệ kinh tế thương mại 2 nước thể hiện ở những điểm chính sau đây:

Thứ nhất,: hiện nay, Anh là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 3 ở Việt Nam với 105 dự án với tổng giá trị đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD. Về thương mại, năm 2007, kim ngạch thương mại 2 chiều đã đạt 1,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt 1,6 tỷ. Những mặt hàng Việt nam xuất khẩu chủ yếu sang vương quốc Anh là dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông sản và thủy sản.

Thứ hai, mặc dù Anh là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của khủng hoảng tài chính, nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Anh và Việt Nam năm 2008 vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 11 năm 2008 tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 1096,647 triệu bảng, tăng 20% so cùng kỳ 2007). Trong đó, Anh nhập khẩu từ Việt Nam 933 triệu bảng (tăng 16,9% so cùng kỳ năm 2007), xuất khẩu sang Việt Nam 163 triệu bảng (tăng 44%). Dự kiến kim ngạch 2 chiều năm 2008 đạt khoảng 2 tỷ USD.

Thứ ba, giới doanh nghiệp Anh quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Theo đánh giá của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và đầu tư Anh (UKTI) thì Việt Nam là một trong 10 thị trường triển vọng (năm ngoái Việt Nam là một trong 17) đang được các nhà đầu tư Anh quan tâm. Tháng 11 vừa qua, UKTI đã tổ chức một đoàn những công ty hàng đầu của Anh vào Việt Nam khảo sát thị trường, mở rộng hợp tác kinh doanh. Điều này cho thấy mặc dù tình hình kinh tế Anh đang bị ảnh hưởng nằng nề nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp Anh đối với Việt Nam không giảm sút.

Những thuận lợi và khó khăn trong năm 2009

Thuận lợi trước hết là quan hệ giữa 2 nước đang trên đà phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Vương Quốc Anh luôn có lập trưởng ủng hộ Việt Nam trong những vấn đề thương mại như GSP, thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giẩy mũ da của Việt Nam…, các doanh nghiệp Anh coi Việt Nam là thị trường mục tiêu của họ trong những năm tới đây.

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng Anh đã biết đến hàng hóa Việt Nam và họ đã dùng hàng Việt Nam. Sản phẩm made in Vietnam ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, tại các siêu thị trung tâm London như Primark, Mark & Spenser, Tesco… với giá cả vừa phải. Bên cạnh đó, người mua vẫn có thể tìm thấy hàng Việt Nam mang nhãn hiệu của những hãng nổi tiếng như Clarks, ZARA, Nike trong các cửa hàng cao cấp trên phố Hight Street với giá cao hơn nhiều. Điều này chứng tỏ thị trường đã chấp nhận sản phẩm Việt Nam ở các mức độ khác nhau.

Thị trường Anh không như nhiều người nghĩ chỉ dành cho những thương hiệu mạnh với giá cả “trên trời” mà bên cạnh đó vẫn còn nhiều chỗ cho hàng hóa với giá bình dân, thậm trí khu vực này còn có phần “tấp nập” hơn những khu cao cấp trong nhũng dịp mua sắm cuối tuần hoặc mùa Noel, năm mới.

Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải ít. Trước hết, cũng như các quốc gia EU, nước Anh rất coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và họ có những quy định nghiêm ngặt trong vấn đề này. Vì vậy, những mặt hàng nông sản thực phẩm luôn bị đe dọa bởi “hàng rào bảo vệ” này sẵn sàng được dựng lên nếu thấy có dấu hiệu ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Vấn đề GSP, thuế chống bán phá giá: Tháng 6/2008 EC đã đưa mặt hàng giày da Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009-2011. Tiếp đó, tháng 10/2008, Ủy ban Châu âu (EC) lại ra quyết định rà soát thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam, theo đó mặt hàng này vẫn phải chịu mức thuế 10%. Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Anh, năm 2007 mặt hàng giầy da đạt kim ngạch 526.433 triệu bảng, 11 tháng 2008 đạt 360,8 triệu bảng, tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái. Năm 2009 mặt hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Về thị trường bán lẻ, phần lớn thị trường đều do các hãng, tập đoàn lớn có tên tuổi chiếm lĩnh như Mark & Spenser, Tesco, Primark, SainSbury’s, ZARA… nên chúng ta khó có thể chen chân vào mà phải chấp nhận thông qua các kênh trung gian để đến với hệ thống phân phối đó. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam phải chia sẻ lợi nhận, thậm chí phải chịu phần thiệt hơn trong khi chúng ta đảm nhận những công đoạn nặng nhọc hơn. Tuy vậy, có một vài doanh nghiệp đã trực tiếp vào thẳng hệ thống phân phối và trở thành nhà cung cấp ruột. Với uy tín của các thương hiệu mạnh, hàng hóa của họ sẽ có vị trí vững chắc tại thị trường tiêu thụ vào loại bậc nhất châu Âu. Tiếc rằng số lượng những doanh nghiệp loại này còn quá khiêm tốn.

Nước Anh đang trong tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu khả quan nào cho sự phục hồi trong năm 2009. Kéo theo đó là thất nghiệp gia tăng và số người mất việc làm có thể lên tới 2 triệu người trong năm tới, mức tiêu dùng của người dân chắc chắn sẽ suy giảm, các nhà nhập khẩu đang gặp phải tình trạng thiếu vốn, đồng Bảng Anh mất giá so với các ngoại tệ mạnh khác… Tất cả những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009.

Triển vọng thương mại 2009.

Mặc dù vậy gặp phải những khó khăn nêu trên, nhưng về lâu dài triển vọng thương mại giữa 2 nước là rất lớn.

Với dân số hơn 60 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 35.000 USD (đứng thứ 7 EU), hàng năm Anh nhập khẩu khoảng 700 tỷ USD, cơ cấu dân số đa sắc tộc, thị hiếu tiêu dùng đa dang, Vương Quốc Anh là thị trường xuất khẩu triển vọng của Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại sứ Anh tại Việt Nam ông Mark Kent đã khẳng định, Chính phủ Anh và giới doanh nhân tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của mối quan hệ với Việt Nam và sự cần thiết phải tiếp tục làm việc chặt chẽ với Việt Nam để tận dụng thế mạnh của mối quan hệ này. Tiếp theo các chuyên thăm cao cấp trong năm quan, Quốc Vụ khanh, Bộ trưởng phụ trách đầu tư và thương mại Gareth Thomas sẽ thăm Việt Nam trong những ngày đầu năm mới 2009 nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư giữa 2 nước. Như vậy, quan hệ hợp tác Anh- Việt ở cấp độ chính phủ cũng như doanh nghiệp đang tiến triển tốt đẹp, mức độ tin tưởng lẫn nhau là rất cao.

An Thế Dũng
Tham tán Thương mại tại Vương Quốc Anh
Nguồn: Báo Công thương điện tử

 

Quảng cáo sản phẩm