Năm 2020, xuất siêu đạt mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp

28/12/2020 12:00 - 165 lượt xem

Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020, tổ chức chiều 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020, hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều nỗ lực trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, từ con số xuất siêu 19,1 tỷ USD này cho thấy xuất siêu của Việt Nam có thể xem là điểm sáng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2020; đồng thời, sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trong năm 2021.

“Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thương mại toàn cầu bị đứt gãy, thì việc xuất siêu 19,1 tỷ USD của Việt Nam cho thấy chúng ta đã tận dụng tốt những cơ hội đến từ các hiệp định thương mại đã được ký kết (đặc biệt là EVFTA), nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã vươn lên, đã đáp ứng được những thị trường khó tính.”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2020, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.

Cũng trong tháng 12/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,6 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 168,8 tỷ USD, tăng 13%.

Trong năm 2020 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 49,4%).

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Ước tính năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,6 tỷ USD.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Phong cho rằng, phân tích theo 5 thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam thì con số xuất siêu 19 tỷ USD chủ yếu đến từ Hoa Kỳ với con số xuất siêu kỷ lục là 62,6 tỷ USD và EU là 20,3 tỷ USD. Ba thị trường lớn còn lại đều nhập siêu: Trung Quốc là 35,4 tỷ USD; Hàn Quốc là 27,6 tỷ USD; ASEAN là 6,9 tỷ USD.

Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ các vướng mắc cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thúc đẩy các dự án đầu tư, nhập khẩu nguyên vật liệu để cán cân thương mại cân bằng hơn; bên cạnh việc nâng cao giá trị xuất khẩu, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ, nhất là các nhóm hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như năng lượng, nông sản, dược phẩm, máy móc, thiết bị... với mục tiêu khai thác tốt lợi thế của nhau để xuất khẩu bền vững và hài hòa lợi ích giữa các quốc gia./.

 
Nguồn: Bnews
Quảng cáo sản phẩm