Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp

23/11/2022 07:25 - 31 lượt xem

Sáng ngày 22/11, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết thực thi Nghị định số 10/2018/ND-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM. Tham gia hội nghị có ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, lãnh đạo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO), đàm phán, thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do. Những hoạt động tham gia các hiệp định đã tạo ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khi hàng xuất khẩu có được những kết quả tích cực thì chúng ta đang gia tăng sức ép cạnh tranh đối với các hàng hoá sản xuất tại thị trường nhập khẩu. Các đối thủ tại thị trường nhập khẩu sẽ vận dụng những công cụ, chính sách thương mại của các hiệp định để phòng vệ thương mại.

 

Khi các công cụ phòng vệ thương mại được áp dụng, có nghĩa là hàng xuất khẩu chúng ta đang hưởng mức thuế thấp ngay lập tức mức thuế bị đẩy lên cao từ 200 – 300%. Với mức thuế cao đó doanh nghiệp chúng ta không thể duy trì nhập khẩu tại thị trường nước đó mà chỉ đàm phán lại thị trường nước khác và rất khó khăn, thị trường đứt đoạn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

 

“Chính vì những nguyên nhân trên, bắt buộc các doanh nghiệp phải hết sức quan tâm, tìm hiểu về PVTM duy trì hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tránh hoặc hạn chế thấp các tác động các biện pháp PVTM có thể gây ra tại các nước doanh nghiệp nhập khẩu”, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, các quy định về phòng vệ thương mại như Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tính chủ động trong rà soát thị trường, rà soát lại giá bán sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu.

 

Tuy nhiên, quy định về phòng vệ thương mại cũng gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp, có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn. Do đó nếu doanh nghiệp chưa chủ động được các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, điều đó làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, thậm chí một số doanh nghiệp còn bị mất thị phần. Ngoài ra có thể làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp xuất hiện, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

“Do đó, hội nghị này giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nắm bắt được và sử dụng có hiệu quả các công cụ về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời xây dựng được có các phương án dự phòng trong chiến lược phát triển sản xuất, xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để ứng phó với phòng vệ thương mại từ các nước”, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế

Quảng cáo sản phẩm