Ngành dệt may trước bước ngoặt mới

15/12/2023 04:02 - 36 lượt xem

Hơn 40 năm gắn bó với ngành may mặc, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ: “Trong 10 năm qua, nhất là giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chuyển hướng sang công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị, thay vì gia công theo các mẫu mà đối tác nước ngoài đặt trước”.

 

Thách thức để thay đổi

 

Theo ông Giang, trước tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều hãng mua hàng ngày càng đưa ra những đòi hỏi khắt khe đối với đơn vị sản xuất. Theo đó, để tiết giảm chi phí, các nhà mua hàng có xu hướng yêu cầu nhà sản xuất phải tự thiết kế, chào mẫu, thay vì trước đây là đưa sẵn mẫu cho doanh nghiệp gia công. Vì vậy, Chủ tịch Vitas nhìn nhận, “đây cũng chính là con đường mà ngành dệt may Việt Nam cần đi nhanh hơn nữa”.

 

Cùng với đó, một trong những thách thức và cũng là cơ hội của dệt may hiện nay là phát triển xanh. Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may Việt chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng; quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện Vitas, hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh. Cùng với đó, nhiều quy định (chứng chỉ LEED, Thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến không ít doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi.

 

Đặc biệt, theo bà Lành Huyền Như, Quản lý dự án Chuỗi Cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với các vấn đề môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.

 

Đáp ứng đòi hỏi của các thương hiệu lớn

 

Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh. Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, bắt đầu từ tháng 10/2023, Chính phủ Pháp đã trao những khoản tiền viện trợ để khuyến khích người dân sửa chữa giày dép và quần áo hỏng để tiếp tục sử dụng thay vì bỏ đi và mua đồ mới. Theo đó, người dân Pháp sẽ được nhận 7 Euro để sửa giày và từ 10 đến 25 Euro để sửa chữa quần áo. Số tiền này lấy từ quỹ 154 triệu Euro, được dành cho chương trình này giai đoạn 2023 – 2028.

 

Theo thống kê, mỗi năm nước Pháp có khoảng 700.000 tấn quần áo bị vứt bỏ, 2/3 trong số đó được đưa đến các bãi rác. Theo ước tính, thị trường quần áo, giày dép và đồ vải gia dụng của Pháp trong năm 2022 là 3,3 tỷ Euro.

 

Việc khuyến khích sửa chữa thay vì mua mới có thể giúp Pháp giảm lượng rác thải thời trang, vốn là một trong những vấn đề đau đầu hiện tại. Được mô phỏng theo chương trình hỗ trợ sửa chữa thiết bị gia dụng, khoản viện trợ này là một phần của cuộc cải cách lớn đối với ngành dệt may do Chính phủ Pháp khởi xướng từ cuối năm 2022. Mục tiêu của chương trình bao gồm việc buộc các thương hiệu phải truy xuất nguồn gốc nhiều hơn và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức chuyên tái sử dụng và tái chế quần áo.

 

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nhìn nhận, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, đồng thời các doanh nghiệp Việt cũng cần đẩy mạnh truyền thông để các nhà mua hàng biết đến. Thêm vào đó, để đẩy mạnh phát triển thương hiệu, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển các trường đào tạo công nghiệp thời trang. Ngành dệt may đã có định hướng xây dựng 2 trung tâm thời trang lớn tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

 

“Việt Nam cần tạo sân chơi trình diễn cho các nhà thiết kế. Chúng ta muốn làm gì thì cũng phải có nguồn nhân lực tốt. Nhiều bạn trẻ đi du học nước ngoài về và đảm nhiệm những vị trí CEO trong các doanh nghiệp dệt may, đã có những sản phẩm thiết kế ấn tượng giới thiệu với thế giới”, ông Giang nói.

 

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Quảng cáo sản phẩm