Ngành Dệt may Việt Nam: Phía trước là cơ hội
31/12/2009 03:05
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2009 vẫn là một năm đầy thành công đối với ngành Dệt may Việt Nam, nằm trong Top đầu mặt hàng xuất khẩu của cả nước (trừ dầu thô), sức tiêu thụ tại thị trường nội địa ngày một gia tăng, từ chỗ phải nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được nhiều nguyên phụ liệu ra nước ngoài.
Không những thế, thời trang Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 6 của Liên đoàn thời trang châu Á (AFF). Ông Vũ Đức Giang- Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chia sẻ những bài học thành công, thách thức cũng như cơ hội phát triển ngành dệt may nước ta trong thời gian tới. Báo Công Thương xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Năng động tìm thị trường mới
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam đều cắt giảm sản lượng, như thị trường Mỹ giảm 4,4%, EU giảm 3,8%. Song các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã năng động, không chịu ngồi yên chờ thị trường thế giới hồi phục mà đã vươn ra những thị trường ngách như: Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi, Đông Âu… do vậy, kim ngạch XK năm 2009 đạt 9,2 tỷ USD, tăng gần 2% so với năm trước.
Đặc biệt, trong năm 2009, XK hàng dệt may vào thị trường Nhật Bản tăng từ 23% đến 25%. Đây là thành công lớn của ngành Dệt may Việt Nam do Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định song phương từ ngày 1/10/2009, thuế suất của hàng dệt may từ Việt Nam vào Nhật Bản được cắt giảm. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu vải có xuất xứ từ các nước có hiệp định thương mại với Nhật Bản sẽ được hưởng thuế suất 0% thay vì 5% đến 10% như trước đây. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đánh giá cao tính ổn định, trình độ tay nghề của công nhân, cũng như chất lượng, mẫu mã phong phú, đa dạng của hàng dệt may Việt Nam… Nhiều doanh nghiệp dệt may đã xây dựng mỗi quan hệ lâu dài và làm ăn khá thành công với thị trường Nhật Bản như: Dệt kim Đông Xuân, May Nhà Bè, May 10, Dệt May Nam Định, May Việt Tiến, May Bình Minh, Dệt kim Đông Phương, Tổng Công ty CP Phong Phú... Chẳng hạn như dệt kim Đông Xuân đã quan hệ hợp tác với Nhật Bản từ 20 năm nay, và vừa qua đã ký được tiếp 10 năm nữa. Cũng trong năm 2009, Dệt kim Đông Xuân đã ký được hợp đồng XK sang thị trường Nhật Bản tăng gấp 2 lần so với năm trước.
Ngành Dệt may Việt Nam cũng đã tiếp cận được thị trường Trung Đông, xuất khẩu vải, khăn bông và phụ liệu sang một số nước như Tiểu vương quốc Arập, Ai Cập, Nam Phi. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ- vốn là một cường quốc về dệt may, năm nay cũng đã nhập khẩu của Việt Nam số lượng khá lớn, nhất là mặt hàng sợi. Các nước Đông Âu cũ cũng nhập khẩu khá lớn hàng dệt may Việt Nam. Đáng chú ý, nhiều nước trước đây từng giúp Việt Nam về kỹ thuật, giờ rất muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành dệt may, điển hình như Nga, hiện đang có chương trình hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành dệt may của họ.
Năm nay, doanh nghiệp dệt may có bước đột phá về XK, như Hanosimex xuất khẩu 38% lượng sợi sản xuất, có đơn vị XK tới 80% năng lực sản xuất của mình. Một điều đáng mừng với ngành Dệt may Việt Nam là đã XK được nguyên phụ liệu. Kim ngạch XK sợi các loại có tốc độ tăng trưởng rất lớn, tới 70% so với năm trước. Các loại phụ liệu như dây khóa kéo, cúc…, trước đây Việt Nam phải nhập khẩu, giờ đã XK được ra thế giới.
Đưa thương hiệu dệt may “Made In Vietnam” vào tầm thức người tiêu dung
Năm qua, ngành Dệt may Việt Nam đã khá thành công trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển nhãn hiệu có tính bền vững, và đã đi được vào tâm thức người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có đơn vị có nhiều loại nhãn hiệu đều XK được ra thị trường nước ngoài. Chẳng hạn Việt Tiến đã xuất khẩu sang Pakistan, Campuchia, Lào. Tại Campuchia, khi Việt Tiến mới mở tổng đại lý được một tháng thì đã có hàng chục cơ sở kinh doanh Campuchia đến xin làm đại lý. Việt Tiến đang có kế hoạch sang năm 2010 sẽ mở đại lý tại Thái lan, Malaysia, Indonesia và Singapore cùng với công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu.
Các mặt hàng như khăn bông, sợi và vải Việt Nam cũng đã tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới, lượng XK ngày càng tăng, do đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu, đòi hỏi phải có xuất xứ rõ ràng. Nhất là đối với sản phẩm khăn bông, là mặt hàng đòi hỏi rào cản kỹ thuật rất chặt chẽ, đặc biệt là thị trường Nhật. Hiện Việt Nam là nước XK lớn thứ hai thế giới về khăn bông, chủ yếu xuất vào thị trường Mỹ, EU và Nhật.
Với thị trường nội địa, nhiều đơn vị trước đây chỉ làm gia công XK đơn thuần, giờ đã đầu tư nhiều vào mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, nhiều vùng miền trên cả nước. Trong năm 2009, doanh thu từ thị trường nội địa của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 26% so với năm trước. Đơn cử như Việt Tiến đạt trên 600 tỷ đồng, tăng gần 150 tỷ đồng so với năm 2008, Nhà Bè đạt gần 300 tỷ đồng, May 10 đạt trên 100 tỷ đồng, may Phương Đông đạt gần 100 tỷ đồng… Vinatex cũng đã xây dựng các phòng nghiên cứu thông số chuẩn về vóc dáng người Việt Nam, từ đó sản xuất ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Đây là cách làm được nhiều nước có nền dệt may tiên tiến áp dụng và rất thành công. Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng đã tổ chức các cuộc thi thiết kế thời trang trong sinh viên nhằm phát hiện tài năng trẻ thiết kế thời trang, tạo động lực khuyến khích các nhà thiết kế thời trang Việt sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, từ đó động viên các tầng lớp người tiêu dùng hướng về hàng nội.
Vào tháng 11/2009 vừa qua, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 6 của Liên đoàn thời trang châu Á (AFF). Đây là điều kiện thuận lợi cho việc học tập và hợp tác với các nước thành viên có ngành thời trang phát triển trong châu Á nhằm đưa ngành công nghiệp thời trang nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung, phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội khẳng định thương hiệu hàng dệt may “Made in Vietnam” cũng như mở ra nhiều thị trường XK cho các doanh nghiệp trong nước.
Mục tiêu năm 2010: Xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD
Năm 2010 được dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhưng chứa đựng nhiều rủi ro khó lường, vì thế doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải tiếp tục bảo vệ lợi thế cạnh tranh của mình, chủ động đón cơ hội kinh doanh sau khủng hoảng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, ngành dệt may Việt Nam sẽ tập trung chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là những người làm thiết kế thời trang. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật ngành dệt may đã ngày càng tăng về chất lượng, đặc biệt là đội ngũ thiết kế thời trang đã có sự lớn mạnh, chuyển về chất. Sản phẩm dệt may Việt Nam đã khẳng định được đẳng cấp. Vị thế và uy tín của ngành dệt may Việt Nam đang ngày càng tăng cao.
Tập đoàn cũng tiếp tục thực hiện sắp xếp lại lao động, quy trình sản xuất hợp lý, phấn đấu năng suất lao động phải tăng 20% so với năm 2009, tạo đà phát triển bền vững. Trong năm 2009, việc sắp xếp lại lao động, quy trình sản xuất của Tập đoàn đã giúp năng suất lao động tăng 20 đến 30% so với năm trước, do vậy đáp ứng được thời gian giao hàng của khách, đồng thời giảm được chi phí sản xuất. Nhờ vậy, mặc dù giá XK giảm 15-17% do suy thoái kinh tế nhưng tổng sản lượng XK vẫn tăng được 20-40%, đặc biệt, lương công nhân đã tăng 17-20% so với năm 2008, nhờ đó, giữ được sự ổn định về lao động, vốn là khâu yếu của ngành dệt may trong những năm trước đây.
Giai đoạn 2011-2015, ngành dệt may Việt Nam chủ trương tăng cường XK, xác định lại chiến lược về thị trường nhằm thiết lập thị trường XK ổn định. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, ngành dệt may không chỉ phải cạnh tranh về chất lượng, về giá cả mà phải cạnh tranh ngay từ khâu đấu giá trên mạng. Bây giờ, kiểu đặt hàng mang mẫu đến rồi bảo anh làm cho tôi mẫu mã như thế này, giá cả thế kia… đã quá lạc hậu, mà phải đấu giá trực tiếp trên mạng. Chẳng hạn một công ty thời trang ở Pháp ra một mẫu thiết kế mới, mời đấu giá ngay trên mạng internet. Hàng loạt đối thủ từ các nước có thế mạnh trong làng dệt may trên thế giới cùng đấu giá. Do vậy, phải có nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu này. Phải có những chuyên gia tính toán được ngay trong thời gian ngắn, với mẫu mã như vậy thì cần những nguyên phụ liệu gì, thời gian thực hiện bao lâu và đưa ra giá hợp lý, có như vậy mới có thể giành được những hợp đồng may giá trị cao. Do vậy, khâu quan trọng nhất đối với ngành dệt may trong thời gian tới vẫn là tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nếu phát huy được thế mạnh của mình, ngành dệt may Việt Nam có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 - 10,5 tỷ USD trong năm 2010.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)