Nghị định cá tra có hiệu lực, vẫn còn băn khoăn

24/07/2014 12:00 - 614 lượt xem

(vasep.com.vn) Mặc dù Nghị định 36/2014/NĐ-CP về sản xuất chế biến và XK cá tra (gọi tắt là NĐ36) đã có hiệu lực, nhưng đến nay vẫn còn một số ý kiến tranh cãi xung quanh vấn đề này. Theo DN và các chuyên gia việc Nghị định quy định cứng về tỷ lệ mạ băng tối đa (10%) và hàm lượng nước tối đa (83%) có lẽ là không phù hợp. Vấn đề hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng chỉ là vấn đề về chất lượng sản phẩm, không phải là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là vấn đề với khách hàng (theo hợp đồng) chứ hoàn toàn không phải vấn đề tiêu chuẩn TBT, SPS bắt buộc của Chính phủ nước NK.

Một luật gia cho rằng việc chúng ta quy định tiêu chuẩn cho một vấn đề mà vốn thuộc về quyền tự do thỏa thuận, không ảnh hưởng tới việc cá tra được phép hay không được phép NK vào một thị trường nhất định là không cần thiết, can thiệp quá sâu vào quyền tự do ký kết hợp đồng của DN. Ví dụ người mua từ các nước kém phát triển, sẵn sàng mua cá tra với tỷ lệ mạ băng cao hơn 10% hoặc hàm ẩm cao hơn 83% miễn là giá rẻ thì tại sao pháp luật Việt Nam lại cấm việc này?

Nếu DN không đảm bảo tỷ lệ hàm ẩm hay mạ băng như thỏa thuận trong hợp đồng với khách hàng thì đây là vấn đề thuộc tranh chấp thương mại thông thường về chất lượng sản phẩm, cần được giải quyết theo các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông thường. Nhà nước không cần can thiệp vào vấn đề này.

Ngay cả khi vấn đề tỷ lệ tối đa về mạ băng và hàm ẩm trở thành các tiêu chuẩn bắt buộc (TBT, SPS) ở một thị trường XK nào đó thì việc quy định cứng về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm tại pháp luật Việt Nam cũng là không cần thiết.

Nguyên nhân là do các thị trường XK cá tra của Việt Nam ngày càng đa dạng, mỗi thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng hàng hóa khác nhau (có những thị trường như EU, Mỹ yêu cầu cao, nhưng cũng có những thị trường không đòi hỏi quá cao như khu vực Mỹ Latinh, Đông Âu, Châu Á…). Do đó, việc quy định một mức chất lượng hàng hóa cứng nhắc như trong NĐ36 là điều bất hợp lý. Việc này có thể sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên và khiến sản phẩm của Việt Nam khó tiếp cận với các thị trường dễ tính. Nếu là vì mục tiêu đảm bảo một chuẩn tối thiểu về chất lượng (tương tự như vấn đề về tiêu chuẩn VietGAP đối với cơ sở nuôi cá tra) thì đó phải là chuẩn thấp, chứ không thể là một chuẩn cao như trong NĐ36 này. 

Mặt khác, các sản phẩm cá tra rất đa dạng và theo một số chuyên gia thực phẩm thì mức mạ băng đối với mỗi loại sản phẩm là khác nhau. Do đó, việc áp dụng một tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước chung cho tất cả các mặt hàng từ cá tra là không phù hợp. 

Nguồn: http://www.vasep.com.vn/
Quảng cáo sản phẩm