Nghịch lý sầu riêng: Giá càng cao, doanh nghiệp càng lỗ

13/09/2023 05:40 - 8 lượt xem

Giá sầu riêng lên cao đẩy nhiều doanh nghiệp trong ngành vào thế khó: Không bán không giữ được uy tín, nhưng bán thì phải chịu lỗ.

 

Chưa năm nào giá sầu riêng Đắk Lắk tăng "nóng" như năm nay, khiến doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng mắc kẹt cả đầu vào lẫn đầu ra. Thời điểm này của năm ngoái, giá sầu riêng thu mua tại vườn vào khoảng 40.000 đồng/kg, thì năm nay, đã tăng tới 70.000 - 80.000 đồng/kg .

 

“Mỗi contaniner sầu riêng xuất khẩu, dù biết trước lỗ hàng trăm triệu đồng, nhưng công ty vẫn phải đóng hàng để thực hiện cam kết theo hợp đồng với đối tác”, ông Lâm Nhật Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển Vạn Hòa cho biết.

 

Theo ông Dân, Vạn Hòa có cam kết cung ứng 20.000 tấn sầu riêng với đối tác Trung Quốc. Trước đó, Công ty thông qua hợp tác xã trên địa bàn đã liên kết, xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu và bao tiêu sản phẩm với các nông hộ ở xã Buôn Hồ, Đắk Lắk. Tập đoàn cũng có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, và hỗ trợ vốn không lãi suất ở mức 50 triệu đồng/ha.

 

Tuy nhiên, khi thấy có người mua giá cao hơn, bà con quay lưng với doanh nghiệp.

 

“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết, trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15-20 ngày, nhưng trước đó 2 tháng, các thương lái ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân”, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding thông tin thêm.

 

"Nếu doanh nghiệp ký kết thu mua với nông dân giá 60.000 - 80.000 đồng một kg, nhiều cơ sở vãng lai sẵn sàng trả 90.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng khiến nông dân bẻ cọc".

 

Là một trong ba tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn hơn 10.000 ha tại Việt Nam, cụ thể là 28.000 ha, Đắk Lắk hiện đối mặt với tình trạng loạn giá sầu riêng. Theo nhiều đơn vị, giá nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam còn cao hơn giá thu mua tại các chợ bên phía Trung Quốc, khiến doanh nghiệp Việt Nam phải hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

 

“Giá nguyên liệu cao, nên các doanh nghiệp khi đóng hàng xuất khẩu sẽ lỗ. Hiện nay, tại Đắk Lắk có khoảng 50% các doanh nghiệp đóng cửa không hoạt động”, ông Vũ Ngọc Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết. Ông Huy cũng nói rằng, doanh nghiệp này mới hoạt động 40% công suất.

 

Nông dân là người chịu thiệt cuối cùng

 

Giá sầu riêng tăng cao trong ngắn hạn có thể đem lại lợi nhuận trước mắt cho người nông dân, nhưng về lâu dài, chính họ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.

 

Đại diện Công ty Vạn Hòa nói rằng, nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái sẽ đề nghị xuống giá hoặc cứ duy trì vườn neo, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguời dân.

 

“Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi”, ông Lê Anh Trung nêu vấn đề. Ông cho biết trong quá trình Tập đoàn thu hồi vốn, 40% người nông dân hiểu vấn đề, mong Công ty tiếp tục hợp tác, song chính sách liên kết thất bại sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư.

 

Thực tế, chi phí trồng sầu riêng ước tính rơi vào khoảng 20.000 đồng/kg. Nếu mức giá sầu riêng ổn định ở 50.000 đồng/kg, người nông dân đã yên tâm để sản xuất, thu hoạch. Nhưng vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người dù đã tham gia hợp tác xã, vẫn không thông qua tổ chức này mà bán trực tiếp qua “cò”.

 

Bà Bùi Thị Thu Phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tấn Khang nói rằng, nhiều vườn bán qua “cò” mà không qua hợp tác xã, nhưng kết quả chỉ bán được 5-10%, tối đa là 20%. Sản lượng còn lại bị neo vườn, bị rụng hoặc dính sâu bệnh.

 

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm khẳng định đây là giai đoạn nhạy cảm, khi sầu riêng Tây Nguyên chuẩn bị bước vào chính vụ.

 

“Nếu các mối liên kết bị bẻ gãy, kinh doanh ngưng trệ, hàng hóa trong vườn không được thu mua kịp thời, dẫn tới tình trạng quá ngày, quá tuổi và sẽ bị rụng. Một khi sản phẩm rụng không thể đưa vào xuất khẩu, người người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người nông dân”, bà Thanh cảnh báo.

 

Nguồn: Báo Đầu tư

Quảng cáo sản phẩm