Ngừng đàm phán về tự do thương mại với EU, GCC mở rộng thị trường về phía Đông

04/06/2009 12:00 - 1164 lượt xem

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các vòng đàm phán của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) với Úc và New Zealand cũng như với Hàn Quốc sẽ sớm kết thúc trong thời gian tới.
 

Các cuộc đàm phán về tự do thương mại với EU bị ngừng lại

Các quan chức hàng đầu của GCC và EU tuần vừa qua đã không thể tái khởi động các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa GCC và EU do họ còn bất đồng về một điều khoản liên quan đến vấn đề nhân quyền. Theo các nhà đàm phán tại phiên họp hàng năm lần thứ 19 của Bộ trưởng ngoại giao GCC và EU tại thủ đô Ôman, một trở ngại khác nữa nảy sinh là sự bất đồng liên quan đến mức thuế nhập khẩu đánh vào cá sản phẩm của GCC được xuất khẩu tới châu Âu như một phần của thỏa thuận. Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út cho biết, đến nay hai bên vẫn chưa đạt được sự nhất trí và quá trình đàm phán vẫn dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, EU mô tả cuộc đàm phán đã bị ngừng lại.

Tháng 12/2008, GCC đã ngừng các cuộc đàm phán kéo dài trong 2 thập kỷ qua do sự ngần ngại của EU để ký một dự thảo thỏa thuận mà các quan chức GCC cho là có nhiều sự nhân nhượng của chính phủ họ. Khó khăn nảy sinh khi xuất hiện một điều khoản có điều kiện quy định “việc ngừng” thỏa thuận nếu các nước thành viên GCC không tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên, Cao ủy quan hệ đối ngoại của EU Benita Ferrero-Waldner, hai bên đang nỗ lực để đạt được sự đồng thuận nhằm “nối lại các cuộc đàm phán”. Mặc dù chưa đưa ra khung thời gian, nhưng các quan chức hai bên dự kiến thời gian gặp nhau để đàm phán trở lại sẽ trong năm tới. Quan điểm của phía GCC là phản đối “việc áp đặt các điều kiện và yêu cầu chính trị của phía EU để ký được một thỏa thuận kinh tế”. Phía EU cho rằng, đây chỉ là “vấn đề từ ngữ và hai bên sẽ tiếp tục làm việc với vấn đề từ ngữ này”.

Bộ trưởng ngoại giao Ba-ranh Nizar Albaharna cho biết, các nước GCC không có vấn đề gì phải giả quyết với những mối quan ngại về nhân quyền nên những nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán thương mại tự do sẽ không bị thất bại. Nếu đượck ký kết, hiệp định thương mại tự do sẽ là thỏa thuận đầu tiên trong lĩnh vực này giữa hai khối kinh tế và chính trị. Trong việc tham gia các thỏa thuận kinh tế với các nước khác, EU tìm kiếm dự khuyến khích cải cách thị trường trự do và dân chủ. Tuy nhiên, các quốc gia GCC cũng cho biết là họ cần thực hiện các cải cách chính trị theo các bước đi của riêng họ.

GCC mở rộng sang các thị trường mới ở Đông Bắc Á

Các nước Ảrập xuất khẩu dầu lửa ở vùng Vịnh dự kiến ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Hàn quốc, Úc và New Zealand trong năm nay sau khi các cuộc đàm phán với EU về một thỏa thuận tương tự đã gặp trở ngại. Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC)- một khối hợp tác kinh tế và chính trị bao gồm 6 quốc gia thành viên- đã ngừng các cuộc đàm phán với EU vào cuối năm 2008 sau khi có sự bất đồng về nhân quyền và dân chủ làm đổ vỡ hai thập kỷ đàm phán. Khối GCC, trong đó có quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới Ả-rập Xê-út và là nền kinh tế lớn nhất trong khối Ả-rập và cũng thuộc nhóm nước G20, hiện nay đang xem xét các đối thủ của EU ở phương đông.

Theo Thứ trưởng Bộ Kinh tế quốc dân của Ôman Abdulmalik Al Hinai phát biểu với báo chí bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính GCC ở thủ đô Ôman, trong một vài tuần tới GCC sẽ bắt đầu vòng đàm phán với Trung Quốc.

Hiện tại, GCC đã kết thúc vòng đàm phán thứ 5 với New Zealand và quá trình đàm phán đang rất thuận lợi. Sau hơn một vòng đàm phán nữa, trước khi kết thúc năm 2009, hai bên sẽ sẵn sàng ký kết thỏa thuận thương mại. Năm nay, Ôman là chủ tịch Ủy ban điều hành trong GCC bao gồm Ả-rập Xê-út, UAE, Cô-oét, Ba-ranh Ca-ta và trong năm 2008 khối này đã ký hiệp định thương mại với Singapore. Các vòng đàm phán giữa GCC và Úc cũng sẽ được bắt đầu tại thủ đô của Ôman trong một vài ngày tới và người ta hy vọng sẽ có nhiều tiến triển thuận trong các cuộc đàm phán.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các vòng đàm phán của GCC với Úc và New Zealand cũng như với Hàn Quốc sẽ sớm kết thúc trong thời gian tới. Một khó khăn hiện đang nảy sinh trong những thỏa thuận với Úc và Hàn Quốc là hàng xuất khẩu chủ yếu của họ tới GCC gồm các sản phẩm ôtô phải chịu mức thuế nhập khẩu 5% ở các nước GCC, trong khi đó các nhà xuất khẩu từ những nước này lại muốn được bãi bỏ mức thuế nói trên. Cũng đã có một vấn đề gây trở ngại cho các thỏa thuận, đó là việc tự do hóa nhập khẩu các sản phẩm xe cộ. Một số nước trong GCC cho biết, họ cần có thời gian để tự do hóa lĩnh vực này.

Trước đây, GCC đã lên kế hoạch ký hiệp định thương mại với Hiệp hội thương mại tự do châu Âu, bao gồm Ai-xơ-len, Liechtenstein, Na-uy và Thụy Sĩ. Các cuộc đàm phán thương mại với EU gặp khó khăn khi trong những năm gần đây EU chuyển hướng yêu cầu cải cách chính trị ở một số nước độc đoán nhất trong GCC trước khi thỏa thuận có thể được đàm phán tiếp. 4 trong số 6 nước GCC không có cơ quan quốc hội. Nhiều nước trong số này thường bị chỉ trích bởi các nhóm hoạt động nhân quyền, chủ yếu là điều kiện làm việc của người lao động nước ngoài rất khắc nghiệt, trong khi đây là xương sống của sự phát triển kinh tế và các ngành công nghiệp hydrocarbons trong khu vực. Sự lo ngại của EU trước sức mạnh của ngành hóa dầu ở các quốc gia Vùng Vịnh cũng là những yếu tố làm trì trệ quá trình đàm phán. Các nước EU đã áp dụng mức thuế cao đối với nhập khẩu phân bón của Vùng Vịnh và các sản phẩm hóa dầu khác mà gây trở ngại tới dòng thông thương từ các nước như Ả-rập Xê-út và Ca-ta.

Trong khi đó, Chính phủ UAE thông báo, hiện tại họ đàm phán hiệp định thương mại tự do với các quốc gia EU như là một vấn đề thứ yếu sau khi EU có những trở ngại và điều kiện nhằm cản trở việc ký kết hiệp địn này với các quốc gia thành viên GCC.

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed Al Mansouri với báo chí bên lề Hội thảo “Mẫu giấy xuất xứ form A và ảnh hưởng của hậu xác nhận đối với hàng xuất khẩu” do Ủy ban Châu Âu phối hợp tổ chức mới đây, các nước thành viên EU đã bị thiệt hại lớn về mặt kinh tế và thương mại do sự trì hoãn ký Hiệp định trong 18 tháng vừa qua. Lẽ ra, các nền kinh tế của Châu Âu đã có lợi từ một vài ưu đãi tương đối mà họ cho các nước GCC hưởng. UAE cũng có quan hệ đối tác với một số quốc gia khác, đặc biệt là Trung quốc và các nước Đông Bắc Á. UAE sẽ tìm cách đàm phán để ký kết các thỏa thuận thương mại với các thị trường mới không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu và vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, các nước Đông và Tây Phi cũng như các nước thuộc Liên Xô cũ như Azerbaijan. Bộ trưởng Kinh tế UAE cũng nêu lên tầm quan trọng của chứng nhận xuất xứ vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu và các luồng giao thương. Giấy chứng nhận xuất xứ mang lại sự gia tăng các doanh nghiệp xuất khẩu và giúp đa dạng hóa thị trường ngoài nước. Giấy chứng nhận xuất xứ cũng hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu của các nước đang phát triển và mang lại cho chúng những ưu đãi của các nước công nghiệp phát triển. Mẫu giấy Form A được cấp theo các quy định của Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) do Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp quốc ban hành.

Nguồn: Báo công thương điện tử

Quảng cáo sản phẩm