Nguy cơ mất 10 tỷ USD vì giá xuất khẩu sụt giảm

06/10/2009 12:00 - 783 lượt xem

9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam đã mất 7 tỷ USD vì sụt giá và cả năm có thể thiệt hại tới 10-11 tỷ USD, Bộ Công Thương cho biết hôm 4/10.

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh, thị trường thu hẹp và giá giảm là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu 9 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 41,74 tỷ USD, âm tới 14,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng rớt giá rơi vào hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Mặc dù, nhiều mặt hàng đã xuất khẩu tăng khá về lượng, nhưng vẫn không đủ bù đắp lại sự giảm sâu về giá này.


Điển hình cho rủi ro này là nhóm hàng nông lâm thuỷ sản và nhóm khoáng sản. Trên thực tế, 9 mặt hàng của 2 nhóm trên đều tăng mạnh về lượng, nhưng không may mắn vì đơn giá bị sụt thê thảm, dẫn tới nông sản chịu thiệt mất 2,7 tỷ USD và khoáng sản thì bị giảm hơn 5 tỷ USD.


Ví dụ, 9 tháng qua, sắn và sản phẩm của sắn tăng 193,8% về lượng, song giá trị kim ngạch bị thiệt mất 353,6 triệu USD do đơn giá hiện giảm tới 42% so với năm ngoái.


Giá xuất khẩu cao su cũng bị sụt mất 44%. Trước đây, 1 tấn cao su xuất khẩu có thể bán với giá 2.715USD thì nay, chỉ còn có 1.496 USD/tấn. Do vậy, dù tăng về lượng nhưng mặt hàng này đã bị thiệt hại 597,6 triệu USD.


Tương tự tình trạng này là gạo. Nếu cùng kỳ năm trước, gạo Việt Nam có thể bán với giá 655 USD/tấn nhưng đến nay, chỉ còn 450 USD/tấn. Mặc dù tăng 34% về lượng, 4,9 triệu tấn gạo đã xuất khẩu 9 tháng đã bị giảm mất 1,018 tỷ USD.
Cho đến nay, Bộ Công Thương thừa nhận, mục tiêu đạt 64,68 tỷ USD xuất khẩu trong cả năm nay cầm chắc là thất bại. Việt Nam khó mà đạt mức kim ngạch xuất khẩu 7,6 tỷ USD/tháng trong 3 tháng tới.


Nếu đẩy mạnh về lượng cũng không đủ bù lại phần giá giảm. Lượng dầu thô để xuất khẩu chỉ còn khoảng 1,8 triệu tấn nên không thể đóng góp nhiều cho kim ngạch xuất khẩu dầu thô 3 tháng tới. Các mặt hàng nông sản cũng đã huy động tối đa về sản lượng để xuất khẩu trong 2 quí đầu năm, đến quí III, quí IV, khó mà tăng được hơn.


Bộ dự báo, cả năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 57-59 tỷ USD, nghĩa là “âm” 6-9% so với năm 2008. Mục tiêu này được đặt trong điều kiện giá dầu thô giữ ở mức 60-65 USD/thùng, giá cả các mặt hàng nông sản thuận lợi.


Tuy nhiên, để đạt mục tiêu âm 9% cũng là khó khăn bởi như vậy, từ nay đến cuối năm, Việt Nam phải xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD/tháng, trong khi bình quân 9 tháng đầu năm nay, mỗi tháng, chúng ta chỉ xuất khẩu được có 4,64 tỷ USD.


Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai việc mở cửa thị trường mới bằng đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định đối tác thương mại với các nước.


Ví dụ, đối với dệt may, Bộ cần ưu tiên đàm phán tháo gỡ những rào cản với thị trường Nga, xúc tiến vào thị trường Nam Mỹ và Bắc Mỹ.
Hiện, thuế nhập khẩu của Nga quá cao, tới 20 USD/kg sản phẩm. Nếu thuế suất giảm, ngành dệt may có thể xuất khẩu vào Nga đạt 1 tỷ USD. Ngoài ra, nếu Bộ Công Thương đàm phán thành công về hiệp định đối tác với Chile thì nước này có thể là bàn đạp cho dệt may vào Nam Mỹ.

 

Nguồn: http://cafef.vn


Quảng cáo sản phẩm