Nhận thức của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại thay đổi mạnh mẽ
24/02/2023 04:30
Theo ghi nhận của Cục Phòng vệ thương mại, hiện nay có những doanh nghiệp đã coi việc điều tra phòng vệ thương mại là một hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế.
Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm
Tính đến cuối năm 2022, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng 11 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng mới 10 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thép dây không gỉ dạng tròn, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, một số sản phẩm ống thép) và 01 vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.
Các thị trường Ấn Độ, Úc và Mexico cũng lần lượt khởi xướng 03 vụ việc điều tra chống bán phá giá với tấm trải sàn vinyl, amoni nitrat, thép cán nguội. Ngoài ra, Ấn Độ và Ma-rốc cũng khởi xướng điều tra 02 vụ việc tự vệ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của ta (nhựa PVC; săm lốp xe mô tô, xe máy, xe đạp).
Nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quan trọng (như: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...) nên doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu/so với các nước cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Hiệp hội và doanh nghiệp thuộc các ngành hàng trên đã có kinh nghiệm chuẩn bị và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do các quốc gia thường hay áp dụng biện pháp điều tra Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ..”, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay.
Để giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh chống lẩn tránh thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).
Hệ thống cảnh báo sớm giúp các hiệp hội nắm bắt được khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại bởi nước ngoài, từ đó chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, doanh nghiệp cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp. Cũng như tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra…
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Cục để đề ra các chiến lược xuất khẩu phù hợp cho từng giai đoạn.
Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới
Indonesia: Việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đã giảm nhẹ nhưng các biện pháp có hiệu lực đã tăng lên. Từ năm 2013 đến cuối tháng 6 năm 2019, Indonesia đã khởi xướng 40 vụ việc chống bán phá giá.
Trong giai đoạn 2006 – 2012, các cuộc điều tra là 46 vụ việc liên quan đến thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ: Trung Quốc, Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan, Hàn Quốc, Malaysia, Liên bang Nga, Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa; thép cán nguội cuộn/tấm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam; thép tấm cán nóng (Trung Quốc, Singapore và Ukraine), thép (Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc), amoni nitrat và polyethylene terephthalate (Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia), bột mì (Ấn Độ, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ), chuối cavendish (Philippines), sợi kéo sợi (Trung Quốc), xơ staple polyester (Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan – Trung Quốc) và polypropylene định hướng hai trục (Thái Lan và Việt Nam). Tính đến cuối tháng 6 năm 2019, 27 biện pháp chống bán phá giá đã có hiệu lực đối với 9 sản phẩm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng (7 vụ), polypro-pylene định hướng hai trục (5 vụ), thép tấm cán nóng (3 vụ), thép cuộn/tấm (3 vụ) và xơ staple polyester (3 vụ).
Trong nhiều năm gần đây, việc áp dụng biện pháp tự vệ đã giảm xuống nhưng Indonesia vẫn là một trong những quốc gia khởi xướng thường xuyên nhất các cuộc điều tra về tự vệ. Từ năm 2013 đến năm 2019, Indonesia đã bắt đầu 11 cuộc điều tra tự vệ (20 vụ việc trong giai đoạn 2006-2012) và áp đặt 9 biện pháp; hầu như tất cả các biện pháp đều là thuế hải quan (một hạn ngạch).
Việc sử dụng các biện pháp bảo vệ tương đối thường xuyên được cho là do nhận thức của ngành cao hơn về sự sẵn có của các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lại các tác động tiêu cực của tự do hóa thương mại.
Không chỉ vậy, khi xu thế bảo hộ đang gia tăng, một số nước có xu hướng thay đổi các thông lệ điều tra như tự khởi xướng điều tra hay thay đổi phương pháp tính toán, thay đổi quy trình điều tra để bảo hộ mức cao cho các ngành sản xuất trong nước, dẫn tới nhiều diễn biến khó lường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý theo dõi biến động về giá và lượng xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu sang Indonesia để có đánh giá kịp thời. Những mặt hàng có giá xuất khẩu cạnh tranh, lượng xuất khẩu tăng nhanh sẽ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thể thông qua đối tác nhập khẩu của mình để nắm tình hình và dự báo trước khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại.
Thái Lan: Dựa trên bằng chứng về việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng từ các quốc gia vào Thái Lan và gây thiệt hại cho nội địa, ngành công nghiệp. Từ năm 1995 đến cuối năm 2019, Thái Lan đã khởi kiện 84 vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có 23 vụ kiện vào năm 2015.
Thái Lan đã thông báo cho WTO rằng, vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, 43 biện pháp chống bán phá giá dưới hình thức có hiệu lực đối với 12 loại sản phẩm: 10 loại thép hoặc hợp kim thép; axit citric; và bên trong săm cao su cho xe máy. Các vụ việc liên quan chủ yếu đến các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và trong đó có 5 vụ việc với mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam.
Hoa Kỳ: Là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 1906. Đến năm 1930, Đạo luật Thuế quan của Hoa Kỳ đã có các quy định tương đối chi tiết về vấn đề này. Hoa Kỳ cũng là nước có ảnh hưởng đáng kể trong việc đưa vào Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1947 các quy định về phòng vệ thương mại như là công cụ “rào cản nhập khẩu” hợp pháp.
Pháp luật về điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (AD) của Hoa Kỳ là một phần quan trọng của pháp luật về phòng vệ thương mại Hoa Kỳ nói riêng cũng như pháp luật về thương mại Hoa Kỳ nói chung. Mục tiêu chủ yếu là các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài trên thị trường Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ phải tuân thủ các nguyên tắc bắt buộc về nội dung yêu cầu và thủ tục quy định tại các Hiệp định liên quan của WTO (cụ thể là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1994, Hiệp định về chống bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định về biện pháp tự vệ).
Theo quy định của Hoa Kỳ, cơ quan có thẩm quyền điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm: Các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp trong điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ); các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quá trình điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (Hải quan Hoa Kỳ, Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ CIT, Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ USTR).
Cơ quan có thẩm quyền khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Pháp luật phòng vệ thương mại Hoa Kỳ quy định hai phương thức khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) gồm vụ việc được khởi xướng khi một bên liên quan đại diện cho ngành sản xuất trong nước nộp đơn kiện lên cơ quan điều tra cáo buộc rằng hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ được trợ cấp và bị bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có thể tự khởi xướng điều tra AD và CVD khi từ những thông tin có sẵn xác định sự cần thiết phải tiến hành điều tra.
Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong giai đoạn từ 01/01/1995 đến 30/06/2021, trên toàn thế giới có 6422 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 4225 vụ việc dẫn đến áp thuế. Trong đó, Hoa Kỳ là nước điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đứng thứ hai trên thế giới (sau Ấn Độ) với 828 vụ việc điều tra và 573 vụ áp thuế.
Trong giai đoạn từ 1995 đến 30/6/2021, có 402 vụ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ trên toàn thế giới, tuy nhiên, chỉ có 205 biện pháp tự vệ được áp dụng trong đó Hoa Kỳ tiến hành điều tra 13 vụ việc và áp dụng 8 vụ việc.
Tại Liên minh châu Âu (EU): Số liệu thống kê của WTO cho thấy EU là một trong ba thành viên WTO đứng đầu về số vụ điều tra chống bán phá giá (sau Ấn Độ và Hoa Kỳ), đứng thứ hai về số vụ điều tra chống trợ cấp (sau Hoa Kỳ và trước Canada), tuy nhiên lại là thành viên ít khởi xướng các cuộc điều tra tự vệ (từ năm 1995 đến nay chỉ có 6 cuộc điều tra tự vệ trong khi nước khởi xướng nhiều nhất là Ấn độ với 46 vụ).
Xét riêng trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, EU đã tiến hành 81 cuộc điều tra mới liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và điều tra tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ 22 quốc gia. Các mặt hàng bị điều tra nhiều nhất là: sắt và thép: 37 cuộc điều tra; Hóa chất và sản phẩm liên quan: 20 cuộc điều tra.
Tính đến cuối năm 2020, EU đã áp dụng 150 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực gồm: 99 biện pháp chống bán phá giá (AD) (được gia hạn thêm 29 vụ việc), 18 biện pháp chống trợ cấp (AS) (được gia hạn trong 01 vụ việc) và 03 biện pháp tự vệ (mở rộng trong 01 trường hợp); tăng 10 biện pháp so với cuối năm 2019.
Các cuộc điều tra rà soát cũng nhiều hơn so với năm 2019. Có 47 cuộc điều tra đang diễn ra. Các quốc gia bị điều tra nhiều nhất trong giai đoạn từ 2015 - 2020 bao gồm: Trung Quốc: 33 cuộc điều tra; Nga: 6 cuộc điều tra, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ: mỗi nước 5 cuộc điều tra, Ấn Độ, Indonesia: mỗi nước 4 cuộc điều tra, Brazil, Hàn Quốc: mỗi nước 3 cuộc điều tra.
Tính trung bình các vụ việc phòng vệ thương mại điều tra khởi xướng của EU mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020 đã tăng lên so với giai đoạn 1999-2009, từ 40 vụ khởi xướng mỗi năm lên với 44 vụ/năm, trung bình tăng 4 vụ/năm.
Đồng thời, số vụ khởi xướng điều tra chống bán giá và chống trợ cấp cũng đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn so với một số nước thành viên WTO khi sử dụng cùng biện pháp này.
Biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU
Dữ liệu đến tháng 8/2021 cho thấy, trong năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi xướng 15 cuộc điều tra mới gồm 12 AD và 3 AS). Trong đó, áp đặt thuế tạm thời trong 6 thủ tục tố tụng và đã kết thúc 11 vụ việc bằng cách áp đặt các mức thuế cuối cùng (8 AD và 3 AS). Năm cuộc điều tra đã được kết luận mà không có biện pháp. Số lượng các cuộc rà soát được bắt đầu tăng so với năm 2019. Ủy ban đã bắt đầu 21 đánh giá hết hạn và 2 đánh giá tạm thời.
Biện pháp tự vệ đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU
Không có cuộc điều tra tự vệ mới nào được khởi xướng vào năm 2020 và năm 2021.
Các tin khác
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD09) (21/04/2025)
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD07) (21/04/2025)
- Tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Đại Hàn Dân quốc (mã vụ việc AD19) (16/04/2025)
- Xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (16/04/2025)
- Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với thép tôn mạ Việt Nam (08/04/2025)