Phòng vệ thương mại đường: Công cụ hợp pháp bảo vệ sản xuất trong nước

18/12/2020 12:00 - 171 lượt xem

Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là một hành động đúng đắn, minh bạch và phù hợp thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa cùng loại nhập khẩu.

Thay vì áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trước áp lực hội nhập, cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa cùng loại từ bên ngoài, một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp trợ cấp cho sản xuất và bán phá giá sản phẩm vào thị trường nước khác. Tuy nhiên, các biện pháp này đã vấp phải sự phản ứng của các nước đối tác, có thể xảy ra kiện cáo rất phiền phức, làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và tốn kém một số chi phí khác cho việc hầu kiện.

Báo cáo của Ban Thư ký WTO cho thấy, tháng 4/2016, Brazil đã kiện Thái Lan ra WTO về việc Thái Lan trợ giá đường vi phạm các nguyên tắc WTO. Thái Lan đã thừa nhận vi phạm. Một ví dụ khác, ngày 27/02/2019, Brazil kiện Ấn Độ ra WTO về việc hỗ trợ sản xuất mía đường trong nước cũng như trợ cấp xuất khẩu mặt hàng đường là vi phạm nguyên tắc thương mại của WTO. Từ đơn kiện của Brazil, các nước khác gồm Guatemala, Costa Rica, EU, Thái Lan… lần lượt gia nhập đơn kiện của Brazil.

Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp vi phạm nguyên tắc thương mại quốc tế đối với mặt hàng đường của WTO còn kém hiệu quả. Cụ thể, sau 4 năm bị Brazil khởi kiện, thừa nhận vi phạm các nguyên tắc thương mại của WTO, song cho đến nay, việc khắc phục vi phạm của Thái Lan vẫn chưa có chuyển biến gì.

Đối với đơn kiện của Brazil và một số nước, mặc dù ngày 11/07/2019, Guatemala đã yêu cầu WTO thành lập “ban hội thẩm”, thế nhưng đã bị cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) trì hoãn. Theo yêu cầu của Guatemala, đến ngày 28/10/2019, cấp có thẩm quyền của WTO mới thành lập “ban hội thẩm”. Đến ngày 27/04/2020, WTO thông báo rằng, do tính chất phức tạp về thủ tục và thực tế của các tranh chấp dựa trên các lịch trình hài hòa đã được thông qua, các hội đồng giải quyết tranh chấp vụ việc chỉ có thể ban hành báo cáo cuối cùng cho các bên liên quan không trước quý 2 năm 2021.

Trong bối cảnh giải quyết các tranh chấp vi phạm nguyên tắc thương mại quốc tế đối với mặt hàng đường của WTO hiệu quả còn thấp, Chính phủ nhiều nước đã tiếp tục can thiệp hỗ trợ sản xuất trong nước vượt ra ngoài các nguyên tắc thương mại công bằng.

Chẳng hạn, ngày 4 tháng 6/2020, Chính phủ Ai Cập đã thông báo cấm nhập khẩu đường trắng trong 03 tháng ngoại trừ đường cần thiết cho dược phẩm, với mục đích bảo vệ ngành đường Ai Cập trước những biến động về giá đường toàn cầu. Ngày 07/07/2020, Bộ Nông nghiệp Kenya đã cấm nhập khẩu đường, đình chỉ tất cả các giấy phép kinh doanh nhằm hạn chế dòng đường giá rẻ tràn vào thị trường tác động tiêu cực đến nông dân với lý do nhập khẩu đường đã khiến các nhà máy trong nước không thể cạnh tranh và nhiều nhà máy khó khăn phải vật lộn để tồn tại.

Bất chấp việc giải quyết các khiếu kiện về trợ cấp đường tại WTO vẫn chưa ngã ngũ, tháng 7/2020, Ấn Độ tiếp tục duy trì trợ cấp xuất khẩu đường năm thứ ba liên tiếp nhằm giảm lượng dư thừa và đảm bảo giá đường nội địa không thấp dưới mức chuẩn của Chính phủ. Các khoản trợ cấp được Ấn Độ thiết kế để thúc đẩy xuất khẩu, điều này làm tăng thêm áp lực lên giá đường toàn cầu vốn đã giảm hơn 10% trong năm 2020. Các ưu đãi xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn đường niên vụ 2020/2021 có thể tiếp tục được Ấn Độ thực hiện.

Trong khu vực ASEAN, dù chưa khắc phục vi phạm từ vụ kiện của Brazil ra WTO, ngày 21/04/2020, Chính phủ Thái Lan vẫn trợ cấp bằng cách ra nghị quyết phê duyệt dự án tài chính hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất với ngân sách khoảng 325 triệu USD. Đồng thời, Chính phủ Thái Lan tiếp tục quy định giá sàn bán đường trong nước là 23,5 bath/kg (tương đương 17.695 đ/kg), cao hơn giá đường xuất khẩu.

Tại Philippines, dù thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015, song đường có nguồn gốc ASEAN dù tự do nhập khẩu vào Philipine, nhưng Chính phủ nước này yêu cầu phải đưa vào kho và chỉ được đưa ra tiêu thụ theo sự điều phối của cơ quan quản lý đường (SRA). Đồng thời, Philippines đã thông qua Luật Phát triển mía đường (SIDA) và quy định nhà nước hỗ trợ ngân sách 1,4 tỷ peso/năm (tương đương 28 triệu USD) cho các chương trình phát triển mía đường.

Tại Indonesia, xét ở góc độ chế biến, ngành đường nước này lạc hậu nhất châu Á. Mặc dù đã thực hiện cam kết ATIGA từ 2015, song Indonesia đã bảo vệ chặt chẽ ngành đường trong nước bằng quy định giá mua mía tối thiểu do Chính phủ thiết lập trên cơ sở bảo đảm người nông dân trồng mía có thể sống được bằng cách tính toán giá thành trồng mía cộng thêm 10%; trợ cấp giá mua phân bón và lãi suất vay vốn cho nông dân trồng mía thấp hơn lãi suất cho vay thương mại... Thế nên, dù là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ 2 tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc), với 80% đường nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng Indonesia vẫn giữ được giá đường nội địa ở mức cao, nông dân và ngành đường Indonesia đã được bảo vệ tốt trước tác động hủy diệt của dòng đường giá rẻ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan.

Đối với Việt Nam, vụ mía đường 2019/2020 là vụ đầu tiên ngành đường Việt Nam thực thi cam kết ATIGA khi Chính phủ xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN. Nếu so sánh với các quốc gia trồng mía chính trong khu vực, trình độ sản xuất mía của Việt Nam là tương đương, trình độ chế biến đường cao hơn Philippines và Indonesia. Thế nhưng, sau 1 năm hội nhập ATIGA, ngành đường Việt Nam đã bị tụt giảm sản lượng mía, tụt giảm sản lượng đường thê thảm, mà nguyên nhân chính là do giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu giá rẻ của Thái Lan do được trợ cấp, bán phá giá, cũng như đường nhập lậu và gian gian lận thương mại đường nhập lậu có xuất xứ Thái Lan.

Quan điểm hội nhập quốc tế của Việt Nam đã được Chính phủ khẳng định là tuân thủ nghiêm túc các cam kết. Do đó, Việt Nam không thực hiện các biện pháp trợ cấp cho ngành mía đường trái với các nguyên tắc thương mại quốc tế của WTO. Việt Nam đã xác định phát triển ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập quốc tế là tự chủ, cạnh tranh sòng phẳng. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mía đường thực hiện trên cơ sở phù hợp với pháp luật trong nước cũng như các cam kết quốc tế.

Khi ngành mía đường Việt Nam có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng do cạnh tranh không lành mạnh của làn sóng đường nhập khẩu, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng đường mía xuất xứ Thái Lan và có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đây là một quyết định kịp thời, đúng đắn, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế WTO cho phép, mà vẫn có thể bảo vệ được ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Thái Lan mới đang trong quá trình điều tra. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Thái Lan. Theo VSSA, cơ sở pháp lý và các bằng chứng để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan là rõ ràng, thuyết phục.
Quảng cáo sản phẩm