Phòng vệ thương mại... là phòng vệ cho ai?

12/03/2021 12:00 - 210 lượt xem

Hệ quả và những phản ứng đối với việc áp thuế tự vệ sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu cho thấy việc sử dụng cơ chế phòng vệ thương mại không phải bao giờ cũng là lựa chọn dễ dàng. Phản ứng ngược chiều của nền kinh tế đã phần nào phản ánh mức độ thất bại của việc sử dụng biện pháp này. Nhưng nếu chấp nhận phản ứng đó để rồi hủy bỏ việc áp dụng thì xem như việc sử dụng biện pháp phòng vệ đã... thất bại ngay từ đầu.

Công cụ chống “chơi xấu” thành công cụ... “chơi xấu”

Phòng vệ thương mại gồm ba biện pháp mà một quốc gia có thể áp dụng đối với hàng nhập khẩu: chống bán phá giá, chống trợ cấp nhà nước và tự vệ thương mại. So với biện pháp chống bán phá giá (hàng nhập khẩu có giá thấp) và chống trợ cấp (hàng nhập khẩu được quốc gia xuất khẩu trợ giá, nên vì vậy giá cũng thường thấp), tự vệ thương mại áp dụng đối với dòng hàng hóa nhập khẩu khi chúng thâm nhập ồ ạt và gây tổn hại đến nền sản xuất trong nước, cho dù việc nhập khẩu đó là hợp pháp, không có dấu hiệu vi phạm hay sai trái. Tất cả các biện pháp này đều nhằm một mục tiêu là hạn chế sự thâm nhập của hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế nội địa, và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vẫn đang chấp nhận điều này.

WTO từ thời điểm ra đời vào năm 1994 đã xác định rõ mục tiêu tạo dựng một bức tranh thương mại toàn cầu ngày càng rộng mở và công bằng hơn. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, WTO cự tuyệt và chống lại tất cả mọi dạng thức của chủ nghĩa bảo hộ.

Nhưng thể chế thương mại đa biên của WTO cũng không phi lý đến mức ủng hộ cho cả các hoạt động thương mại không công bằng và thiếu lành mạnh.

Các quốc gia nhập khẩu vì vậy được tiếp tục sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho các tình huống được xem là ngoại lệ của quá trình thực hiện các cam kết mở cửa và nới lỏng thị trường. Ngược lại, sự phản kháng có thể xuất hiện, và “trận thắng” lịch sử của Việt Nam trước việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu của Mỹ cách đây mười năm là một ví dụ.

Dẫu vậy, hình mẫu tốt đẹp hầu như chỉ có trong lý thuyết. Bên cạnh những trường hợp lật ngược thế cờ, như của Việt Nam, không ít quốc gia chỉ còn cách ngậm bồ hòn. Thậm chí, bản thân Việt Nam cũng “vùng vẫy không ra” trước cách tính giá quá phi lý của Mỹ khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với cá ba sa.

Nhìn từ Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) 1947 qua GATT 1994, thế giới bắt đầu ngờ ngợ ra rằng, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được không ít quốc gia khai thác quá mức và mở rộng phạm vi đến cả những hoạt động nhập khẩu... không bị xem là thiếu công bằng, không lành mạnh. Nói thẳng ra, từ một công cụ để chống bảo hộ, có vẻ như phòng vệ thương mại đang dần trở thành công cụ để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Đương nhiên, để có thể vượt qua mọi rào cản và... lạm dụng, quốc gia hay nền kinh tế sở tại phải có đủ “thế” và “lực”.

Sự lựa chọn của chính sách

Tuy nhiên, mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó.

Như đã nói, phòng vệ thương mại khi đã được... hợp pháp hóa sẽ trở thành công cụ bảo hộ thương mại. Và, thay vì người tiêu dùng thì nhà sản xuất trong nước trở thành đối tượng được bảo vệ trong tất cả các tình huống này. Đương nhiên, lý thuyết lẫn thực tiễn cho rằng, bảo vệ nền sản xuất trong nước là để họ phục vụ tốt người tiêu dùng trong... dài hạn. Và đó là lý do để các chính sách bảo hộ như vậy trở thành lựa chọn của nhà nước.

Ngược lại, thay vì ngồi chờ những kết quả không chắc từ tương lai, người tiêu dùng sẽ luôn thấy họ bị bỏ rơi. Ngay cả khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên cá tra và cá ba sa của Việt Nam thì một phần người dân Mỹ đâu đó cũng cho rằng mình đã bị tước mất cơ hội ăn cá giá rẻ.

Chỉ có điều, có vẻ như bảo hộ nền sản xuất trong nước là mục tiêu lựa chọn chính sách kiên định của các quốc gia khi tham gia thể chế thương mại toàn cầu. Chẳng hạn biện pháp chống bán phá giá, nền tảng cơ bản của nó từ vạch xuất phát là lý thuyết về phân biệt giá, theo đó việc sử dụng cơ chế giá cao (so với giá thấp) lẫn giá thấp (so với giá cao) đều có thể bị túm áo. Tuy nhiên, từ GATT 1947 rồi đến GATT 1994, một phần cơ sở lý thuyết này đã bị bỏ qua để rồi khung pháp lý định hình chỉ dừng lại đối với hành vi bán giá thấp, vì điều đó có thể tước đi cơ hội bán hàng của nhà sản xuất trong nước.

So với các nền kinh tế đủ “thế” và “lực” để lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm thực thi chính sách bảo hộ, việc các quốc gia và nền kinh tế “thấp bé nhẹ cân” có thể sử dụng được các biện pháp này có thể được xem là sự thành công.

Mười năm trước, lần đầu tiên khi mới chân ướt chân ráo vào WTO, Việt Nam đã ngay tức khắc sử dụng cơ chế tự vệ thương mại với mặt hàng kính xây dựng. Điều đó đủ cho thấy sự chủ động của Việt Nam một khi đã dấn thân vào sân chơi lớn.

Tuy nhiên, cú “sốc phản vệ” về thuế tự vệ đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu lần này cho thấy Việt Nam cần minh định rõ mục tiêu mà mình theo đuổi. Vấn đề không phải là thuế suất áp dụng bao nhiêu và mức thuế đó tăng chi phí sản xuất nông nghiệp đến chừng nào, như cách mà Bộ Công Thương đã lập luận, mà quan trọng hơn cả là kết quả của việc phòng vệ thương mại có giúp ngành sản xuất trong nước lớn lên và lớn tới đâu.

Thực tế đã cho thấy, các nhà sản xuất phân bón trong nước không tận dụng cơ hội giá phân bón nhập khẩu tăng để tiếp cận thị trường mà phản ứng kiểu “bìm leo” để... tăng giá. Cuối cùng, người tiêu dùng trong nước, cụ thể là nông dân, không chỉ đối diện với mức giá tăng của phân bón nhập khẩu mà còn chịu cảnh tương tự khi quay về lựa chọn phân bón sản xuất trong nước.

Khó có thể nói rằng, đó là kết quả mà Bộ Công Thương mong muốn khi sử dụng biện pháp tự vệ. Còn nếu cho rằng thị trường phân bón nội tăng giá xuất phát từ giá (nhập khẩu) nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất thời gian gần đây tăng thì điều đó đâu có nghĩa là chi phí sản xuất của nhà sản xuất nước ngoài không tăng.
Quảng cáo sản phẩm