Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ hướng tới 3 tỷ USD
09/03/2010 12:00
Tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước được thể hiện trong các hoạt động hợp tác song phương qua các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng từ ngày 23 đến 28/2/2010.
Nhìn chung, các chuyến thăm này đã góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa Việt Nam- Ấn Độ.
Về quan hệ thương mại, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua đã có sự biến chuyển tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã tăng từ 72 triệu USD năm 1995 lên 1.018 triệu USD năm 2006, năm 2007: 1.536 triệu USD, năm 2008: 2.478 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2008 đã vượt mục tiêu 2.000 triệu USD mà chính phủ 2 nước đã đề ra cho năm 2010. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho thương mại giữa hai nước ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt mức 2.055 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ được 420 triệu USD (tăng 9% so với năm 2008: 388 triệu USD ), và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 1.635 triệu USD (giảm 22% so với năm 2008: 2.094 triệu USD).
Đặc biệt, tháng 10/2009, Chính phủ Ấn Độ đã công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ và hai bên đã ký Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện (AITIG) trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ là những điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước cũng như giữa ASEAN và Ấn Độ.
Với lợi thế về quan hệ chính trị và tiềm năng kinh tế to lớn của 2 nước, dự kiến tổng kim ngạch buôn bán song phương sẽ đạt 3.000 triệu USD vào năm nay và 5.000 triệu USD vào năm 2015. Đây chính là mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Vũ Huy Hoàng đã đưa ra trong buổi Hội đàm với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Anand Sharma ngày 7/12/2009 nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ theo lời mời của Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhập siêu nhiều từ Ấn Độ. Cụ thể, năm 2006: 742 triệu USD, năm 2007: 1.177 triệu USD, năm 2008: 1.705 triệu USD và năm 2009: 1.215 triệu USD. Để góp phần tăng cường hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng như cải thiện cán cân thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã đề nghị Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma có những biện pháp thiết thực như tạo thuận lợi hóa thương mại, giảm hàng rào thuế và phi thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Ấn Độ tìm hiểu thị trương, xúc tiến thương mại,...
Việc thực hiện Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do (FTA) Ấn Độ-ASEAN là rất quan trọng và tiếp đó là đàm phán thương mại dịch vụ Ấn Độ-ASEAN, khu vực dịch vụ của Ấn Độ chiếm tới hơn 55% GDP. Việt Nam là thành viên tích cực và quan trọng của ASEAN. Ấn Độ là nước châu Á đang nổi lên với chính sách “hướng Đông” mạnh mẽ có tiềm năng đa dạng về các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, hóa chất, chế tạo cơ khí, sản xuất ôtô và phụ tùng, sản xuất đầu máy và toa xe lửa, dược phẩm, chế biến thực phẩm,...và trong chính sách ngoại thương thời kỳ 2009-2014 của mình, Ấn Độ đã xác định Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Các doanh nghiệp của Ấn Độ hiện nay đang rất quan tâm đến hầu hết các lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam bao gồm cả ngân hàng và bảo hiểm.
Về đầu tư, Việt Nam là một trong những điểm đến của các tập đoàn, công ty Ấn Độ. Một số Tập đoàn, công ty của Ấn Độ đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt nam, như ONGC, Essar, Tata Steel, Larsen & Turbo, Ranbaxy, Godrej... ONGC đã ký với Petro Vietnam 2 Hơp đồng chia sản phẩm (PSC) cho các lô 127 và 128 thuộc bể Phú Khánh ngoài khơi Trung Bộ Việt Nam, đang tham gia 45% cổ phần trong PSC lô 06.1, 19 và 12E ngoài khơi Việt Nam. Tháng 2/2008, Essar Energy Ltd. đã trúng thầu lô 114 Bể Sông Hồng và các bên đang đàm phán hợp đồng liên doanh. Ngoài ra, ONGC và PIDC, Công ty chi nhánh của Petro Vietnam, cũng ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các nước thứ 3. Nhìn chung, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực dầu khí phát triển khá tốt và cần được phát huy. Về công nghiệp nặng, dự án thành lập liên doanh thép giữa Tata Steel và Tổng công ty Thép Việt Nam tại Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện về mặt thủ tục. Ấn Độ được xếp vào nhóm 10 nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ còn cấp ODA cho Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp đặc biệt là một số dự án trong lĩnh vực thủy điện.
Trong năm 2010- năm Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma sẽ sang thăm Việt Nam và dự các phiên họp cấp cao của ASEAN với nước đối tác và các phiên họp của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các nước đối tác. Đây chính là các cơ hội tốt để chúng ta thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ chính trị, thương mại, đầu tư ... giữa 2 nước đồng thời tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, dự kiến thương mại 2 chiều năm nay giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 50 tỷ USD từ mức 40 tỷ USD của năm 2009.
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1954 và đã nâng lên cấp Đại sứ vào ngày 7/1/1972. Hai nước đã ký các Hiệp định: Hợp tác Kinh tế và Thương mại vào ngày 26/02/1978 và ký lại vào ngày 8/03/1997, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Lãnh sự, Hợp tác Văn hóa, Hàng không, du Lịch… đó chính là các khung pháp lý để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa các tổ chức và các doanh nghiệp của cả hai nước.
Nguồn: Báo công thương điện tử
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)