Sống chung với các vụ kiện

25/04/2014 12:00 - 666 lượt xem

Thời gian gần đây doanh nghiệp VN liên tục phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) như: chống bán phá giá, trợ cấp... chủ yếu rơi vào một số thị trường xuất khẩu quan trọng như Hoa Kỳ, EU, ASEAN... Chỉ riêng hai năm 2012-2013 đã có 17 vụ điều tra PVTM liên quan đến hàng xuất khẩu VN.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, ban thư ký - Hội đồng tư vấn về PVTM (Phòng Thương mại và công nghiệp VN), nói:
- Thực tế này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu của chúng ta cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá hay trợ cấp ở nước ngoài, mà có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân hoàn toàn khác.
Thứ nhất, trong xu thế toàn cầu hóa và khủng hoảng kinh tế như hiện nay, việc các nước tăng cường sử dụng, thậm chí lạm dụng công cụ PVTM nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa của mình trước hàng hóa nước ngoài đang có xu hướng gia tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Chẳng hạn, các vụ kiện xảy ra với hàng xuất khẩu VN trong vòng một năm trở lại đây ở Mỹ hầu hết tập trung vào một số sản phẩm sắt thép (ống thép không gỉ, ống thép dẫn dầu) vốn chưa phải mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của VN nhưng là sản phẩm có “truyền thống” được bảo hộ cao, đặc biệt thông qua biện pháp PVTM tại Mỹ. Thống kê cho thấy trong số 476 vụ điều tra PVTM tại Mỹ tính đến tháng 6-2013 có tới 249 vụ kiện - chiếm hơn một nửa số vụ kiện-Liên quan tới các sản phẩm thép.
Thứ hai, do cơ cấu xuất khẩu của VN có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia trong khu vực ASEAN, cùng với áp lực từ việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình Khu vực thương mại tự do ASEAN, các ngành sản xuất nội địa tại các quốc gia ASEAN đang có xu hướng tận dụng công cụ PVTM như một lối thoát trong mục tiêu bảo hộ các ngành sản xuất trong nước. Nếu năm 2012 có 11 vụ kiện thì các nước ASEAN đã chiếm đến ba.
Vì sao khi đã bị khởi kiện, VN ít khi thoát khỏi tình trạng bị các nước áp thuế? Điều này là do doanh nghiệp không hợp tác trong quá trình điều tra, hay còn vì nguyên nhân nào khác?
- Trên thực tế, hầu như các vụ kiện đều xuất phát từ việc các nhà sản xuất nội địa cảm thấy bị đe dọa trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Mà xuất khẩu, bản chất là cạnh tranh với hàng nội địa tại nước nhập khẩu. Và chúng ta không thể tự làm giảm sức cạnh tranh chỉ để loại bỏ nguy cơ ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu kiện hàng hóa của chúng ta được.
Thêm nữa, kiện PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) là những công cụ bảo vệ sản xuất nội địa được thừa nhận trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì vậy không có cách nào, cũng không có nước nào có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị kiện đối với hàng hóa xuất khẩu của mình.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tham gia tích cực và chủ động vào quá trình điều tra cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả và mức thuế suất mà doanh nghiệp bị áp. Thông thường trong vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, ngoài mức thuế suất đối với bị đơn bắt buộc và thuế suất toàn quốc, Bộ Thương mại Hoa Kỳ còn dành mức thuế suất riêng biệt và thường là thấp hơn mức thuế suất toàn quốc áp dụng cho các doanh nghiệp có tinh thần hợp tác trong quá trình điều tra.
* Theo bà, điều gì khiến phần lớn các vụ kiện của VN thường không thể thắng được trước những cáo buộc lẫn điều tra của nước khởi kiện?
- Cần phải thừa nhận các vụ kiện PVTM hiện đang trở thành phổ biến trong thương mại quốc tế. Đối với hàng xuất khẩu của VN nguy cơ này còn cao hơn bởi VN hiện vẫn bị xem là nền kinh tế phi thị trường trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, và do vậy hàng hóa VN phải chịu những quy tắc tính toán riêng, bất lợi.
Như đã đề cập ở trên, kiện PVTM là công cụ được WTO cho phép, nên doanh nghiệp VN cần đối diện với vụ kiện PVTM ở nước ngoài như là một sự chấp nhận. Vì thế, doanh nghiệp VN cần chuẩn bị và có phương án thích hợp để có thể vừa gia tăng xuất khẩu, vừa đối phó với nguy cơ bị kiện, và nếu vụ kiện xảy ra thì kháng kiện và đạt kết quả tốt nhất chứ không phải là tranh luận về tính công bằng hay không của các vụ kiện.
Ứng phó với các vụ kiện, tôi thấy doanh nghiệp trong nước phần lớn chưa có hiểu biết về bản chất cũng như ảnh hưởng của các vụ việc, vì vậy chưa có cách hành xử đúng. Ví dụ đối với tranh chấp thương mại thông thường, doanh nghiệp mình không có tên trong đơn kiện thì thôi, coi như không liên quan; nhưng trong kiện PVTM thì dù có tên hay không có tên cũng vẫn sẽ liên quan, thậm chí phải tìm mọi cách để được tham gia vụ việc nhằm đạt được kết quả điều tra tốt nhất cho doanh nghiệp mình.
* Theo bà, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị điều gì để có thể “sống chung” này được “hòa hợp” trong thời gian tới?
- Qua thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng ở Hội đồng tư vấn PVTM VCCI, tôi cho rằng doanh nghiệp cần theo dõi sát sao tình hình thông qua thương vụ VN tại nước ngoài và nhà nhập khẩu nước ngoài để nắm bắt được các thông tin cảnh báo một cách nhanh chóng. Thứ đến, cần chủ động tìm hiểu, tăng cường hiểu biết về pháp luật PVTM thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc các ấn phẩm chuyên ngành liên quan. Mặt khác, doanh nghiệp rất cần tích cực, chủ động tham gia kháng kiện khi vụ kiện xảy ra vì việc tham gia đầy đủ của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng để bảo vệ lợi ích của mình.
Một điều nữa tôi nghĩ cũng rất quan trọng là sự phối hợp đoàn kết giữa các doanh nghiệp. Việc thống nhất hành động giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, là rất cần thiết để đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất cho toàn ngành.
Nguồn: Báo tuổi trẻ 
Quảng cáo sản phẩm