SSA không đủ khả năng xoá bỏ thuế CBPG áp cho tôm nhập khẩu từ Thái Lan

09/02/2010 12:00 - 635 lượt xem

Liên minh Tôm miềm Nam (SSA) muốn xoá bỏ thuế CBPG áp cho tôm nhập khẩu từ Thái Lan nhưng đang vấp phải sự phản ứng mạnh từ các nhà chức trách liên bang. Họ cho rằng SSA không chứng minh được có đủ khả năng để đại diện cho toàn bộ ngành tôm nội địa nước này.

SSA - đại diện cho ngư dân và các công ty chế biến tôm ở 8 bang miền Nam nước Mỹ -  đã cố gắng tìm cách xoá bỏ thuế CBPG áp cho tôm Thái Lan để đổi lấy một khoản tiền từ nước này.

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA), đại diện cho các nhà đóng gói tại Louisiana và một số nơi khác kịch liệt phản đối thoả thuận này.

Chủ tịch SSA John Williams mới xác nhận Liên minh này đã nhận được một bức thư từ Bộ Thương mại muốn điều tra xem bao nhiêu phần trăm mà Liên minh này đại diện cho ngành. Nhưng ASPA đã đưa ra thông tin chứng minh cho Bộ Thương mại Mỹ thấy rằng theo luật hiện hành, Hiệp hội có đủ khả năng và quyền hạn để ngăn cản nỗ lực của SSA. David Veal, Giám đốc ASPA khẳng định Hiệp hội đại diện cho 85% ngành.

Chính SSA đã đề nghị áp thuế cho tôm nhập khẩu từ nước ngoài vào Mỹ cách đây 5 năm. Ngư dân và các nhà chế biến tôm Mỹ từ Louisiana, Texas, Alabama, Florida, Mississippi. Georgia và Carolinas đã mất hàng triệu USD cho các nhà làm luật để đưa ra luật quản lý thương mại quốc tế.

Uỷ ban Thương mại Mỹ và Bộ thương mại Mỹ đã quyết định ngành tôm Mỹ bị thiệt hại do tôm nước ngoài bán phá giá trên thị trường nội địa. Điều này có nghĩa tôm được bán với giá thấp hơn giá sản xuất. Kết quả là thuế CBPG đã được áp dụng. Ban đầu, tiền thu từ thuế được trả trực tiếp cho ngư dân, và nhà chế biến trong đó nhà chế biến được hưởng nhiều hơn. Sau đó, Quốc hội sửa đổi lại luật và bây giờ tiền thu từ thuế CBPG được trả trực tiếp cho Kho bạc.

Thái Lan đã đề nghị SSA ký kết một thoả thuận trị giá 100 triệu USD. Theo đó, nếu thuế CBPG áp cho tôm Thái Lan nhập khẩu vào Mỹ được dỡ bỏ, nước này sẽ trả cho SSA 100 triệu USD. Tuy nhiên, nếu thuế CBPG này được loại bỏ theo kết quả của xem xét hoàng hôn thì ngành tôm Mỹ không nhận được khoản tiền này. Các nhà chức trách liên bang sẽ bắt đầu quá trình xem xét hoàng hôn vào tháng 2/2010.

Một số ngư dân và công ty chế biến tôm cho biết họ phản đối việc bãi bỏ thuế CBPG bởi nếu làm như vậy sẽ loại bỏ một công cụ quan trọng bảo vệ giá tôm tại thị trường Mỹ. Những người muốn loại bỏ thuế này thì cho rằng ngành tôm Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngoài thoả thuận trên.

Nguồn: http://www.vasep.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm