“Sự cố” Trifluralin – Nhà nhập khẩu lo ngại cho tôm Việt Nam

09/11/2010 08:08 - 667 lượt xem

Nhà NK hiểu DN thủy sản Việt Nam là nạn nhân của “sự cố” Trifluralin và không khỏi lo lắng về việc Việt Nam sẽ kiểm soát hoạt chất này ra sao. Trong cuộc họp với các DN XK tôm VASEP tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 3/11/2010, nhiều bạn hàng Nhật Bản bày tỏ sự e ngại khi mua hàng…

Hơn 1 tháng kể từ ngày lô tôm đầu tiên của Việt Nam bị cảnh báo có chứa hàm lượng Trifluralin cao hơn mức giới hạn cho phép của Nhật Bản, việc mua bán, sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Trifluralin trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng phức tạp. Cho đến thời điểm này, DN XK tôm chỉ có thể ”ngồi trên đống lửa” và chờ sự ứng phó từ phía các cơ quan nhà nước.

Nhà nhập khẩu hiểu, thông cảm và lo lắng...

Lẽ ra, ngay từ khi lô hàng cá tra XK của Việt Nam bị cảnh báo do phát hiện dư lượng Trifluralin vượt mức giới hạn cho phép, các cơ quan chức năng phải có ngay các biện pháp kiên quyết. Nhưng cho đến khi bị cảnh báo và Nhật quyết định nâng mức kiểm tra lên 100%, chúng ta mới tìm cách ứng phó thì có quá muộn? Tình hình cấp bách này, một mình DN không thể xoay sở nổi, vậy vấn đề nằm ở đâu? trách nhiệm thuộc về ai? Liệu NAFIQAD áp dụng chế độ kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng Trifluralin đối với 100% lô hàng tôm của DN trước khi xuất sang Nhật có giải quyết được gốc của vấn đề hay chỉ làm tăng chi phí của DN? Ông Nguyễn -  Công ty NIPPON SUISAN bức xúc tại cuộc họp.

Đại diện Công ty Marubeni cho biết, trong lúc này, họ cảm thấy lo ngại cho tôm Việt Nam và chờ xem sự kiểm soát hoạt chất Trifluralin như thế nào. Việc kiểm tra 100% lô hàng của cơ quan chức năng sẽ khiến tỷ lệ rủi ro rất cao. Trường hợp không may xảy ra, một côngtenơ bị phát hiện dư lượng Trifluralin, nhà NK sẽ phải chịu thiệt hại từ 5.000 - 10.000 USD hoặc hơn nữa.

Việc kiểm soát dư lượng Trifluralin nên tiến hành càng sớm càng tốt. Trong hoàn cảnh này, nhà máy cần tự “cứu” mình bằng cách tự kiểm và kiểm soát theo phương pháp kiểm tra dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Nitrofuran (AOZ, AMOZ...) trước khi có các biện pháp ứng phó từ phía Nhà nước - Ông Huỳnh Trung Thành - đại diện Công ty Kanematsu chia sẻ.

Công ty Sumitomo hiểu DN thủy sản đang là nạn nhân của “sự cố” Trifluralin. DN NK tôn trọng kết quả tự kiểm của các nhà máy thủy sản Việt Nam nhưng vẫn buộc phải kiểm thêm một lần nữa cho chắc chắn trước khi xuất hàng.

Doanh nghiệp thở dài…

Quá lo lắng về việc vẫn còn nhiều lô thuốc trong thành phần có chứa Trifluralin đang lưu hành tại Sóc Trăng, nhiều DN đã kiến nghị UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, thu hồi thuốc trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình dường như không khả quan hơn.

“Có lẽ, đến thời điểm này, DN chỉ biết ngồi cầu trời cho qua. Nước tới chân nhảy còn khó, chứ nước đã tới lưng rồi, liệu có nhảy được không?” - Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) thở dài.

Bộ NN và PTNT cần có văn bản cấm hoàn toàn các sản phẩm có chứa Trifluralin cho vụ nuôi năm sau và tìm các chế phẩm, hóa chất an toàn thay thế cho người nuôi thủy sản. Diện tích vụ nuôi tiếp theo tại ĐBSCL khá lớn, do đó phải có giải pháp triệt để ngay từ vụ này.

Còn ông Nguyễn Hữu Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm XK Nam Hải (Viet Foods Co.,Ltd) đặt câu hỏi, tại sao phần lớn các sản phẩm thuốc bán trên thị trường trong thành phần có chứa Trifluralin đều có nguồn gốc từ Thái Lan? Kể từ khi Nhật Bản cảnh báo lô tôm Việt Nam có chứa dư lượng Trifluralin cho đến nay, chưa có một công ty xuất khẩu tôm nào của Thái Lan bị phát hiện có chứa hoạt chất này?

Hàng tháng Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt (Quoc Viet Co.,Ltd) XK từ 30 - 40 côngtenơ tôm sang thị trường Nhật Bản. Một côngtenơ có hàng trăm con tôm, DN làm sao kiểm hết được. Công ty chỉ có thể mua tôm để sản xuất, chế biến chứ đâu có được quy định cấm người nuôi sử dụng thuốc có chứa Trifluralin trong nuôi tôm?

Hiện tại, Quoc Viet Co.,Ltd chưa có sản phẩm nào bị nhiễm Trifluralin. Tuy nhiên, DN không dám khẳng định trong thời gian tới sản phẩm tôm công ty có bị nhiễm Trifluralin vì nguyên nhân xuất phát từ công đoạn nuôi hay không. Điều này ngoài tầm kiểm soát của DN thu mua, chế biến, XK. 80 côngtenơ tôm xuất khẩu trong hai tháng cuối năm 2010 của công ty không biết sẽ ra sao? - Ông Ngô Văn Nga - Tổng Giám đốc Quoc Viet Co.,Ltd lo ngại.

Nguồn: http://www.vasep.com.vn

Quảng cáo sản phẩm