Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20: Việt Nam kêu gọi chống bảo hộ thương mại

01/07/2010 12:00 - 634 lượt xem

Với cương vị chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các nước G-20 đảm bảo phục hồi kinh tế bền vững và chống các hành vi bảo hộ thương mại.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tuy kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, các nước ASEAN cho rằng G-20 cần bảo đảm kinh tế thế giới phục hồi bền vững và tăng trưởng cân bằng.
Liên quan đến việc chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam và ASEAN quan ngại trước tiến triển chậm chạp của vòng đàm phán Doha và kêu gọi G-20 đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoàn tất vòng đàm phán Doha trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam là nước phải chịu nhiều biện pháp bảo hộ trá hình của một số nước phát triển, nên Việt Nam kêu gọi G-20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU)... cùng G-20 soạn thảo và ra một tuyên bố chung quyết tâm thúc đẩy vòng đàm phán Doha kết thúc trong 12 tháng tới.
Thảo luận về phiên cải cách các thể chế tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các thể chế tài chính khu vực tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Theo Thủ tướng, các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là WB, cần ưu tiên các sáng kiến hỗ trợ đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò điều phối các nguồn tài chính để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Với IMF, cần hoàn thiện các công cụ cho vay phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các nước chậm và đang phát triển, đặc biệt trong việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Hãng tin Reuters, kết thúc Hội nghị G-20, các nhà lãnh đạo đã cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia 50% trong vòng ba năm tới và “ổn định” nợ công trước năm 2016.
Báo Wall Street Journal cho biết sau những tranh cãi gay gắt, Mỹ và châu Âu đã đạt một thỏa thuận, theo đó Washington đồng ý với mục tiêu giảm thâm hụt, đổi lại Brussels cam kết vẫn ưu tiên cho tăng trưởng.
AFP dẫn lời một số nhà quan sát nhận định đây là một thắng lợi đối với châu Âu, đặc biệt là Đức, trong khi Mỹ không đạt được gì nhiều tại G-20.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc cũng có thể hài lòng với kết quả G-20, bởi Bắc Kinh đã thuyết phục được G-20 bỏ câu ca ngợi Trung Quốc cam kết linh hoạt tỉ giá đồng nhân dân tệ ra khỏi tuyên bố chung.
Reuters nhận định Bắc Kinh không muốn đồng tiền của mình trở thành một vấn đề riêng biệt trong tuyên bố chung vì lý do chủ quyền, kể cả khi đây là một lời khen ngợi.
Reuters cho biết giới ngân hàng cũng có thể thở phào bởi các lãnh đạo G-20 đã quyết định bỏ đề xuất áp thuế đối với ngành ngân hàng các nước. Năm ngoái, G-20 đồng ý sẽ áp dụng các quy định mới đối với ngành ngân hàng từ cuối năm 2012 nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Tuy nhiên, kết thúc Hội nghị Toronto, các nhà lãnh đạo thông qua một thời gian biểu linh hoạt hơn để ngành ngân hàng có thời gian đạt tới tiêu chuẩn cao hơn về vốn và tính thanh khoản

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Quảng cáo sản phẩm