Tăng cường nguồn lực cho phòng vệ thương mại đáp ứng nhu cầu thực tiễn

16/01/2023 06:23 - 35 lượt xem

Hội nhập kinh tế quốc tế, công tác phòng vệ thương mại cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam.

 

Doanh nghiệp chủ động vượt rào cản phòng vệ thương mại

 

Năm 2002, khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa và tôm nước ấm của Việt Nam các doanh nghiệp đều hết sức lúng túng và ngơ ngác, do chưa nhận thức và nắm rõ về biện pháp phòng vệ thương mại.

 

Từ dấu mốc đó, đến nay, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - nhận định, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển biến về nhận thức, đặc biệt đã có những biện pháp hạn chế ảnh hưởng từ biện pháp phòng vệ thương mại thông qua việc đa dạng hoá thị trường, không bỏ trứng vào một giỏ, nhằm tránh các rủi ro, cũng như tích cực chuẩn hoá chuỗi sản xuất, gia cố năng lực cạnh tranh.

 

Do các nước đều có chủ trương phát triển và bảo hộ ngành sản xuất nội địa, trong khi thép lại là ngành công nghiệp cơ bản, vì thế ngành thép của Việt Nam cũng đã sớm phải đối mặt với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, trong đó sớm nhất là vào năm 2004 khi Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thép ống của Việt Nam.

 

Trong thời gian từ năm 2004 – 7/2022, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam với tổng số 68 vụ việc; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh.

 

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – ông Nghiêm Xuân Đa cho hay, cách đây 7 năm, khái niệm phòng vệ thương mại còn rất mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thép còn rất hoang mang, lúng túng và thập chí buông bỏ vì chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với các vấn đề này. Tuy nhiên, sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, từ các bài học thực tế rút ra, các doanh nghiệp về cơ bản đã làm quen với quy trình của một vụ kiện.

 

Hiện tại, nhận thức và tư duy về phòng vệ thương mại của ngành thép Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ. “Một mặt, ngành thép luôn chủ động thu thập thông tin, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong các vụ việc kháng kiện, mặt khác, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm cơ hội trong chính các vụ việc phòng vệ thương mại”- ông Đa nói.

 

Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm Xuân Đa, sau thời gian ban đầu chủ yếu đứng ở vai trò bị động của người bị kiện trong các vụ việc phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp ngành thép của Việt Nam cũng đã chủ động phát hiện các hành vi thương mại không lành mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu tại chính thị trường nội địa của Việt Nam để xây dựng hồ sơ và đề nghị Bộ Công Thương khởi xướng điều tra.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết, vì thế, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, phòng vệ thương mại sẽ là công cụ để các quốc gia bảo vệ hàng hoá trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn. Bên cạnh đó là nguy cơ từ sự thay đổi của chính sách pháp luật, chính sách phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu.

 

Từ thách thức đặt ra, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, càng tự do hoá chúng ta càng đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại hơn, nên doanh nghiệp cần làm quen với các biện pháp này. “Đây là một thực tế và là câu chuyện dài, doanh nghiệp phải chấp nhận và có giải pháp ứng phó hiệu quả, trong đó phải thúc đẩy chuẩn hoá quy trình sản xuất, kế toán, sổ sách…”- bà Trang khuyến nghị.

 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng vệ thương mại

 

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được công tác phòng vệ thương mại còn nhiều hạn chế. Trong đó, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương - ông Lê Triệu Dũng cho hay, số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã có dấu hiệu gia tăng so với giai đoạn trước năm 2011. Tuy nhiên, so sánh với tương quan số lượng vụ việc mà các Cơ quan điều tra quốc tế tiến hành, số lượng hồ sơ yêu cầu tại Việt Nam vẫn còn hạn chế; nhận thức và mức độ hợp tác của doanh nghiệp trong nước chưa cao.

 

Mặt khác, hiện các văn bản pháp luật hiện nay về phòng vệ thương mại của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm cần tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi để bám sát tình hình thực tế, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của WTO và các Hiệp định FTA mới ký kết; thẩm quyền và nguồn nhân lực của Cơ quan phòng vệ thương mại chưa tương xứng với sự gia tăng số lượng vụ việc khởi kiện và kháng kiện phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng vệ thương mại.

 

Trước các thách thức cũng đặt ra đối với công tác phòng vệ thương mại, ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho rằng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng vệ thương mại là một trong những nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ. “Dự báo nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ gặp những khó khăn mới, các quốc gia gia tăng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát tổng thể các quy định, các văn bản pháp luật nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của phòng vệ thương mại”- ông Minh cho hay.

 

Cùng với các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho rằng, dự kiến xu hướng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phức tạp, cũng như xu hướng về điện tử hoá trong xuất nhập khẩu ngày càng tăng, vì thế, cần đưa ra quy định về tiêu chuẩn xuất xứ hàng hoá đối với mặt hàng thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích cho ngành sản xuất trong nước.

 

Dựa trên kết quả phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại trong cung cấp thông tin phục vụ hoạt động điều tra phòng vệ thương mại, triển khai các quy định về phòng vệ thương mại; hướng dẫn thủ tục nộp, hoàn trả các loại thuế phòng vệ thương mại, theo ông Đào Duy Tám, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trường hợp mặt hàng được áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường phối hợp trong thu thập, đánh giá các thông tin rủi ro gian lận lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mạị; xây dựng cơ chế phối hợp với các Hiệp hội để cung cấp thông tin kịp thời về ngành nghề, về dấu hiệu gian lận để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại…

 

Giai đoạn tới, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phòng vệ thương mại trên thế giới và tại Việt Nam, ông Lê Triệu Dũng nêu rõ, cần nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật trong nước về phòng vệ thương mại, trong đó có việc xem xét sửa đổi Luật Quản lý Ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại để đảm bảo đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế, bám sát thực tiễn, bảo vệ tốt nhất lợi ích của nền kinh tế.

 

Ngoài ra, cơ quản quản lý nhà nước và các ngành sản xuất cần có chiến lược lâu dài về việc tập trung nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; tận dụng các công cụ phòng vệ thương mại được WTO cho phép nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh bất bình đẳng và gay gắt của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài; cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại thông qua nghiên cứu kinh nghiệm mô hình Cơ quan Phòng vệ thương mại của các nước, từ đó hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng vệ thương mại tương ứng với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam.

 

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm