Tăng cường thông tin về thị trường từ các thương vụ

20/01/2016 12:00 - 684 lượt xem

(Chinhphu.vn) - Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần thường xuyên cập nhật thông tin cụ thể, kịp thời về thị trường, khách hàng uy tín, thế mạnh của các nước, đồng thời tư vấn cho DN về phương hướng kinh doanh phù hợp ở nước sở tại.

Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại buổi làm việc vào ngày 18/1 giữa đoàn tham tán, tùy viên thương mại của Bộ Công Thương với Sở Công Thương và các DN TP. Đà Nẵng nhằm nắm bắt tình hình và kết nối với một số địa phương phục vụ công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, Thành phố hiện có khoảng 300 DN tham gia xuất khẩu, trong đó có hơn 40 DN xuất khẩu đạt kim ngạch từ 3 triệu USD trở lên. Thị trường xuất khẩu mở rộng trên 120 nước và vùng lãnh thổ và thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ, EU…

Trong những năm qua, tại một số thị trường như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và một số thị trường châu Âu… Sở Công Thương Đà Nẵng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực trong việc giới thiệu thông tin DN có nhu cầu tìm thị trường mới đến với các đối tác của nước sở tại thông qua thương vụ ở các nước này.

Tuy nhiên, việc thường xuyên kết nối, trao đổi thông tin chỉ mới tập trung vào một số ít thị trường nêu trên, còn lại hầu hết sự phối hợp chưa phát huy hiệu quả, chủ yếu khi có sự vụ cần giải quyết.

Có một khó khăn cho DN khi cần tìm hiểu thị trường mới là đa số các thương vụ đều không có website riêng nên việc giới thiệu thông tin về thị trường, khách hàng, cơ chế chính sách xuất nhập khẩu của nước sở tại… còn bị động và chưa được cập nhật tốt.  

Đồng tình với ý kiến này, bà Hồ Hoài Hà, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế (Sở Ngoại vụ Đà Nẵng) mong muốn các thương vụ, tham tán thương mại thường xuyên cập nhật thông tin cụ thể về thị trường, danh sách khách hàng uy tín, có thế mạnh của các nước; tư vấn cho DN trong việc lựa chọn phương hướng kinh doanh, đối tác, mặt hàng, xu hướng tiêu dùng phù hợp tại nước sở tại; các thông tin cần được cập nhật, cụ thể và kịp thời.

Bên cạnh đó, các tham tán thương mại có thể cập nhật lên trang Diễn đàn ngoại giao kinh tế trực tuyến của Bộ Ngoại giao, một địa chỉ đã được nhiều DN Đà Nẵng đăng ký tài khoản để tìm hiểu thị trường.

Đồng thời, các hiệp hội DN cũng cần hỗ trợ DN đăng ký tài khoản tại địa chỉ này, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để có thêm công cụ hỗ trợ trong việc kết nối, tìm hiểu thị trường.

Từ góc độ DN, đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Đà Nẵng cho rằng vai trò của các thương vụ, tham tán thương mại là rất quan trọng, là cầu nối trung gian và chỗ dựa của DN khi xảy ra bất cứ vấn đề gì.

Từ trước đến nay, Công ty cổ phần Thủy sản Đà Nẵng gặp khá nhiều khó khăn khi muốn xác minh thông tin, sự uy tín của đối tác tại nước sở tại như thế nào, việc kết nối đều phải thông qua trung gian tốn kém rất nhiều chi phí. Do đó, các thương vụ, tham tán thương mại cần lập cổng thông tin điện tử chính thống, công khai địa chỉ liên hệ để các DN có thể tiếp cận.

Ngoài việc ghi nhận và tiếp thu ý kiến từ các đại biểu, ông Đoàn Minh Việt, Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng góp ý thêm cho các DN làm thế nào để tối đa hoá hiệu quả khai thác thông tin của đối tác.

Theo ông Việt, ngoài sự hỗ trợ từ thương vụ và tham tán thương mại, các DN nên sử dụng nhiều kênh thông tin từ Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, đại sứ quán, kênh thông tin của các nước để xác minh đối tác làm việc có hiệu quả, có minh bạch và uy tín hay không.

Thông qua các kênh chính thống này, DN có thể có được những công cụ giúp đỡ từ Sở Công Thương và kênh giới thiệu từ Đại sứ quán. Đồng thời, DN cũng có thể tìm đến các trung gian cung cấp thông tin có uy tín.

Ngoài ra, bản thân DN cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để có thể thu thập thông tin hữu ích từ nhiều nguồn.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Quảng cáo sản phẩm