Thép nóng

06/05/2016 12:00 - 1435 lượt xem

Ngành thép đang nổi lên như một hiện tượng liên quan đến việc thực thi phòng vệ thương mại với hàng loạt vụ việc điều tra, áp thuế tự vệ. Tuy nhiên, một câu hỏi cơ bản rằng, “Việt Nam có lợi thế về sản xuất thép hay không?”, đến nay vẫn chưa có lời giải rõ ràng.

Nghịch lý nhập thép, nhập phôi

Năm 2007, cả ngành thép ồn ã với thông tin Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) thực hiện gia công 5.000 tấn thép tại Trung Quốc và gắn mác VIS để mang về tiêu thụ tại Việt Nam. Lý do được VIS đưa ra là muốn đa dạng hóa phương án kinh doanh, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh giá phôi thép trong nước tăng chóng mặt, sản xuất khó khăn.

Trong danh sách phản đối VIS ngày đó, có cả Công ty thép Pomina (POM) với lập luận đây có thể trở thành hiểm họa cho cả ngành thép, nhất là khi năng lực dư thừa của ngành thép Trung Quốc là quá lớn. Nhiều công ty thép Việt Nam cũng cho hay, đã nhận được đề nghị từ phía các doanh nghiệp thép Trung Quốc góp thương hiệu, sản xuất hàng loạt rồi nhập khẩu trở lại Việt Nam nhưng đã khước từ bởi e ngại sự sụp đổ của ngành thép nội.

Ở thời điểm đó, hơn 9.000 lao động tại Công ty Gang thép Thái Nguyên và hàng nghìn lao động trong các doanh nghiệp thép khác cũng trở thành gánh nặng an sinh xã hội lớn nếu chấp nhận cho thép Trung Quốc “gửi chân” theo cách mà VIS muốn làm. Lẽ dĩ nhiên, VIS cuối cùng đã phải từ bỏ ý định gia công thép tại Trung Quốc rồi mang về bán tại Việt Nam để đạt lợi ích cao nhất.

Hơn 8 năm đã trôi qua, khi ngành thép Trung Quốc lại một lần nữa gặp khủng hoảng thừa, gây khó khăn cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam ở sát ngay bên. Lúc này, cái tên VIS lại tái xuất nhưng lần này thuộc về một trong bốn doanh nghiệp nguyên đơn đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép trong nước, theo đó đề xuất đưa ra là tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều đáng nói, ở phía các doanh nghiệp đang hưởng lợi từ nhập khẩu bị tố lại có POM - doanh nghiệp đã đầu tư không ít cho sản xuất thép và phôi thép!?

Từng được kỳ vọng như một doanh nghiệp sản xuất thép tại miền nam có thể đối trọng với Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG) ở miền bắc, nhưng cuối cùng POM đã quyết định chọn cách nhập phôi về cán ra thép, thay vì hoạt động dây chuyền luyện phôi - cán thép. Nguyên nhân sâu xa là bởi công nghệ lò điện để luyện thép mà POM đầu tư có chi phí sản xuất phôi cao hơn so với lò cao. Chọn con đường nhập phôi, POM dĩ nhiên phản đối áp thuế tự vệ thương mại với phôi thép nhập khẩu.

Nhưng cách đi của POM và của những doanh nghiệp thép khác nữa vẫn rất rủi ro xét về lâu dài, một khi giá phôi thép Trung Quốc tăng trở lại, các nhà sản xuất phôi trong nước lâm vào thế trở tay không kịp.

Quặng ngoại lấn sân

Mặc dù mất khá nhiều công sức để được cấp quyền khai thác 2 điểm mỏ quặng sắt tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang hồi năm 2009-2011, nhưng vào cuối tháng 4-2016, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã phát ra thông tin xin trả lại cơ quan chức năng các điểm mỏ này. Lý do khiến cho HPG xin trả lại mỏ là bởi hàm lượng sắt trong quặng thấp, trung bình khoảng 30% - 40% TFe, trong khi để khai thác được 1 tấn quặng cần phải bóc tới 10 tấn đất đá, khiến chi phí rất lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa chính là bởi giá quặng thô thế giới đang giảm rất sâu, tới 30-50% so với thời điểm đầu năm 2014.

Với đặc thù thân quặng có chiều dày mỏng, kéo dài và hàm lượng nghèo như mỏ Tùng Bá (Hà Giang), chi phí khai thác không thể cạnh tranh được so với các mỏ lớn trên thế giới... HPG cũng liệt kê một số chi phí góp phần khiến quặng nội kém hấp dẫn so với quặng ngoại như chi phí khắc phục để bảo đảm môi trường quá cao khi được phân bổ vào 1 tấn quặng khai thác. Ngoài ra, các nghĩa vụ với nhà nước như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu thông tin địa chất phải nộp quá cao trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Dĩ nhiên là để thay thế quặng nội, HPG đã có ngay nguồn quặng ngoại khá phong phú. Theo tính toán của HPG, để làm ra 1 triệu tấn gang cần 1,65 triệu tấn quặng. Như vậy để đáp ứng công suất của khu Liên hợp gang thép 1,8 triệu tấn/năm tại Hải Dương, HPG cần khoảng 3 triệu tấn quặng/năm và số lượng này hoàn toàn có thể nhập khẩu với chi phí tốt hơn quặng nội.

Không chỉ vậy, với dự báo giá quặng sắt thế giới sẽ lại giảm sâu vào cuối năm 2016 - đầu năm 2017 do rất nhiều dự án mỏ sắt quy mô lớn trên thế giới đi vào sản xuất gây dư cung hàng quặng sắt ít nhất cho đến tận năm 2020, câu chuyện nhập quặng của HPG xem ra còn rất rôm rả.

Tương lai của ngành thép?

Trong khi câu chuyện nhập thép, nhập phôi hay nhập quặng còn gây tranh cãi về tính ưu việt thì vào tháng 9-2015, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã thực hiện nghiên cứu “Phát triển công nghiệp thép Việt Nam trong tình hình mới - cơ hội và thách thức”. Trong số các nhận định được báo cáo đưa ra có câu chuyện tài nguyên nước ta không thuận lợi cho phát triển ngành thép quy mô lớn khi đến năm 2025, ngành thép sẽ phải nhập khẩu 40 triệu tấn quặng sắt, 20 triệu tấn than mỡ, hàng triệu tấn vật liệu chịu lửa, phụ gia, ferro...

Với sản lượng 40 triệu tấn thép/năm vào thời điểm 2025, tổng phát thải của ngành thép cũng được VSA tính toán là 72 triệu tấn CO2, chiếm 11,7% tổng phát thải của cả Việt Nam. Con số này cao hơn mức phát thải bình quân hiện nay của ngành thép thế giới là 5,6%.

Đó là chưa kể nhu cầu năng lượng của ngành thép sẽ gây ra mất cân đối nghiêm trọng khi chiếm 15,5% nhu cầu năng lượng cả nước hoặc tương đương với 48% nhu cầu năng lượng của cả ngành công nghiệp. Mà điều này sẽ buộc phải điều chỉnh một trong hai quy hoạch, hoặc thép hoặc năng lượng, mới đủ bảo đảm cân đối năng lượng. Chúng ta có nên tiếp tục lựa chọn thép trong bối cảnh thế giới dư cung, và những điều kiện sản xuất trong nước càng ngày càng không thuận, trả giá về môi trường ngày một lớn, hay không? Câu trả lời cần phải xác định rõ ấy, tiếc thay vẫn treo đó. Khó hiểu là cơ quan quản lý, VSA và các doanh nghiệp dường như vẫn mắc vào những tính toán ngắn hạn.
 
Nguồn: Báo điện tử Nhân dân
Quảng cáo sản phẩm