Thị trường Úc: Cơ hội tỷ USD cho hàng thủy sản Việt

22/07/2014 12:00 - 608 lượt xem

BizLIVE - “Người Úc muốn mua toàn bộ câu chuyện, không chỉ mỗi thức ăn. Việc xây dựng những câu chuyện về xuất xứ của các sản phẩm địa phương gắn với con người sẽ là hướng đi mới mà Việt Nam cần cân nhắc”.

Đó là khuyến nghị từ các chuyên gia thị trường xuất khẩu Úc đối với hàng hóa của Việt Nam được cập nhật tại Bản tin tháng 6 của Thương vụ Việt Nam tại Úc.

Thị trường còn nhiều dư địa

Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, do nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung đã vượt xa khả năng sản xuất, hàng năm, Úc nhập khẩu hơn 200.000 tấn thủy sản, trị giá hơn 1 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ ba sau New Zealand và Trung Quốc, chiếm 20% thị phần.

Với dân số trên 23 triệu người (dự kiến tăng lên 40 triệu người vào năm 2050) và là một trong những nước có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới với mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người tăng từ 10kg/năm vào những năm 1990 lên khoảng 25kg/năm hiện nay.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Úc sẽ còn tăng hơn nữa và là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Tôm là loại hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Úc, lượng tiêu thụ tôm hàng năm lên tới 50.000 tấn. Trong đó, Úc nhập khẩu khoảng 25.000 tấn và lượng cung cấp còn lại từ các nhà nuôi trồng và đánh bắt địa phương.

Tôm nuôi chỉ khoảng 4.000 tấn còn lại là đánh bắt tự nhiên, tôm của Úc thường rất đắt nhưng được ưa chuộng vì tươi và người Úc thích mua hàng thực phẩm trong nước.

Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam do giá thành thấp hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Người tiêu dùng Úc chuộng tôm sú to, loại hải sản được tiêu thụ nhiều thứ hai là cá hồi Đại Tây Dương với hơn 80% được nuôi tại các trang trại ở Tasmania.

Cá hồi Đại Tây Dương thường được cung cấp ở dạng tươi (không để đông lạnh), người tiêu dùng Úc thích loại cá này vì là sản phẩm của Úc, mùi vị và hàm lượng Omega 3 có trong loại cá này tốt cho sức khoẻ.

Loại hải sản được tiêu thụ nhiều thứ ba ở Úc là cá basa, người Úc thích cá basa bởi giá cả phải chăng, vị thanh và không có xương.

Mặc dù vậy, thông tin sai lệch về chất lượng và an toàn thực phẩm của cá basa (và tất cả các loại cá từ Đông Nam Á) đã phần nào làm hạn chế lượng tiêu thụ.

Loại cá được tiêu thụ nhiều tiếp theo là cá chẽm, khoảng một nửa được nuôi và đánh bắt trong nước, một nửa được nhập khẩu.

Úc là thị trường xuất khẩu thuỷ sản tiềm năng của Việt Nam, vấn đề hiện nay là các qui định nghiêm ngặt của Úc về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học.

Chìa khóa xây dựng thương hiệu

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng tại Úc, hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn nhiều trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để. 

Các trường hợp vi phạm do Bộ Nông nghiệp kiểm tra và phát hiện sẽ bị thông báo rộng rãi trên trang web của Chính phủ bao gồm cả tên nhà cung cấp và nước cung cấp.

Trong năm 2013, có 26 trường hợp của Việt Nam bị phát hiện, riêng năm tháng đầu năm 2014 là 19 vụ.

Ngoài ra, gần đây Úc phát hiện thuỷ sản Việt Nam bị bơm nước và tạp chất, vấn đề này sẽ huỷ hoại hình ảnh của hàng thủy sản Việt Nam.

Bởi lẽ, nó sẽ làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm và tồi tệ nhất là thuỷ sản Việt Nam bị giảm giá trên thị trường.

Nguồn cung hàng của Úc bị hạn chế bởi vì Úc chỉ có thể cung cấp 25% nhu cầu hiện nay, do vậy, tiềm năng nhập khẩu vào thị trường Úc rất lớn nếu người tiêu dùng tin tưởng và quay sang lựa chọn các nhãn hiệu nhập khẩu.

Việt Nam hiện là một trong ba nhà nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho thị trường Úc nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu có cách tiếp cận và bước đi phù hợp.

Giải pháp ưu việt nhất là đưa hàng có chất lượng cao và xuất xứ tốt của sản phẩm và xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam không kém hơn các sản phẩm của Úc.

Điều này hoàn toàn có thể, bởi xuất xứ tốt của sản phẩm (không phải giá thấp) nên là trọng tâm chính cần hướng tới.

An toàn thực phẩm, môi trường bền vững, đãi ngộ lao động, tất cả được minh chứng bằng một giấy xác nhận độc lập sẽ là con đường chúng ta phải đi.

“Người Úc muốn mua toàn bộ câu chuyện, không chỉ mỗi thức ăn. Việc xây dựng những câu chuyện về xuất xứ của các sản phẩm địa phương gắn với con người sẽ là hướng đi mới mà Việt Nam cần cân nhắc”, báo cáo khuyến nghị.  

Muốn thực sự hiểu thị trường, các nhà cung cấp nên đi thăm và dành thời gian để hiểu người tiêu dùng nghĩ gì và tìm giải pháp phù hợp cho hệ thống bán buôn và bán lẻ.

Thiếu các kiến thức này, các nhà cung cấp sẽ gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng. Nhưng thành công thực sự cho Việt Nam sẽ là việc cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền.

Nguồn: Biz Live
Quảng cáo sản phẩm