Thủ tục xuất nhập khẩu cần được hướng dẫn chi tiết, thống nhất để hỗ trợ doanh nghiệp

24/05/2021 12:00 - 81 lượt xem

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam (ảnh), Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, các doanh nghiệp cần năng động và nhanh chóng thích ứng để vượt qua khó khăn của đại dịch, về giá cơ quan chức năng cũng phải có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu.

Xin ông cho biết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như thế nào?

Do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động giao thương, lưu thông giữa các nước đã bị hạn chế hơn trước. Việc gặp gỡ các đối tác khó khăn hơn, khiến việc tìm kiếm khách hàng mới với các doanh nghiệp sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn trước. Vì thế, điều đầu tiên tác động tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu là bạn hàng ít đi. Hơn nữa, việc xác định độ uy tín và đảm bảo của khách hàng cũng bị trở ngại hơn, nên nhiều doanh nghiệp chỉ có thể làm việc với các đối tác quen thuộc, đã từng giao dịch từ trước đến nay. Do đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mới thành lập, chưa có nguồn khách quen lại càng vất vả hơn trong việc tìm kiếm đối tác. Thực tế là gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã liên tục nêu vụ việc và đưa ra cảnh báo doanh nghiệp về việc đề phòng các đối tác lừa đảo tại một số quốc gia và khu vực.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, quý I ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu. Các số liệu về xuất khẩu cũng cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Kể từ khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng tới 18% trong 3 tháng đầu năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đạt mức tăng trưởng cao trong quý 1 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chile tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%... Hơn nữa, dù FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang tạm thời có hiệu lực, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Anh những tháng đầu năm cũng tăng 22,1%.

Một khó khăn nữa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là chi phí xuất nhập khẩu, vận chuyển đang có xu hướng tăng, do tình trạng thiếu container, giá các dịch vụ logistics, cảng biển trong và ngoài nước đều tăng. Vì thế, các doanh nghiệp đang khó càng thêm khó, nhất là với các doanh nghiệp vốn mỏng.

Cùng với những khó khăn do chịu tác động từ tình hình đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp một số trở ngại cố hữu từ môi trường kinh doanh, một số thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu vẫn còn gây phiền hà. Sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ ngành, chi phí không chính thức… vẫn là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp
Để hỗ trợ, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp như thế nào, thưa ông?

Việc cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua đã được các bộ, ngành tích cực cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp cụ thể hơn nữa giúp doanh nghiệp. Chẳng hạn, các cơ quan thương mại, cơ quan tham tán ở nước ngoài… nên tích cực hoạt động, giúp doanh nghiệp xác nhận, đánh giá độ tin cậy, đảm bảo của bạn hàng quốc tế. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, các công ty cung cấp dịch vụ tài chính liên quan nên hỗ trợ, đưa ra các gói giải pháp về tài chính giúp doanh nghiệp có bộ công cụ tiện lợi trong thanh toán, cũng như các gói bảo hiểm hàng hóa, đề phòng rủi ro tỷ giá… với chi phí hợp lý hơn.

Về thủ tục xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng, trong đó có Hải quan nên có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và thống nhất để doanh nghiệp có thể thực hiện một cách nhanh nhất. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, thời gian thông quan không thể kéo dài, nên phải tạo điều kiện cho các hoạt động được thông suốt, từ đó kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, từ tác động của đại dịch, đa số doanh nghiệp đã chuyển sang giao dịch thương mại trên môi trường internet. Vì thế, việc tạo ra những sàn thương mại điện tử, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp giao dịch trên thương mại điện tử đều rất cần thiết. Mới đây, việc vải thiều Bắc Giang, Hải Dương được thực hiện xuất khẩu qua thương mại điện tử đã cho thấy tính hợp lý, hợp thời cùng như hợp tác giữa chính quyền với các doanh nghiệp và người nông dân để khắc phục khó khăn, đảm bảo xuất khẩu thuận lợi.

Với các doanh nghiệp, theo ông, việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa cho xuất nhập khẩu cần được chú trọng như thế nào để vượt qua khó khăn của đại dịch?

Không chỉ trong khó khăn của đại dịch Covid-19, việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa phải được làm thường xuyên, liên tục, không được xao nhãng. Các doanh nghiệp luôn phải nghĩ đến công tác này trong chiến lược sản xuất – kinh doanh dài hạn của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải xác định rõ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, thị trường để có hướng sản xuất, phát triển sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc phát triển mẫu mã, bao bì, bảo vệ thương hiệu… để tạo thuận lợi cho công tác bán hàng, giao dịch với khách hàng quốc tế.

Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải năng động hơn nữa, phải phát huy hết sức mạnh và cơ hội từ công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn trong chuyển đổi số, có nhân lực có năng lực về công nghệ, sẵn sàng đáp ứng những thay đổi của thời cuộc để đưa ra chiến lược phù hợp. Hơn nữa, tình hình của các nước trên thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, nên doanh nghiệp cần phải nắm bắt tình hình dịch bệnh, bám sát cả những thay đổi chính sách theo từng ngày từng giờ của các quốc gia, nhất là các thị trường chủ lực để lên phương án kinh doanh, tìm kiếm đối tác nhanh chóng, kịp thời, không để lỡ cơ hội khi thị trường phục hồi. Nếu không thực hiện được những vấn đề nêu trên, về lâu dài, các doanh nghiệp sẽ tự đánh mất cơ hội và thị trường xuất nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

(Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ông Nhữ Văn Hoan, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Sơn Hà: Cần những giải pháp dài hạn hơn Thủ tục xuất nhập khẩu cần được hướng dẫn chi tiết, thống nhất để hỗ trợ doanh nghiệp

Đối với những doanh nghiệp không có phương án dự phòng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh doanh, khi nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngưng sản xuất. Đứng trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đều đã triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa, hoặc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, tăng cường chuyển đổi số và xúc tiến thương mại hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu…

Với Sơn Hà, thị trường xuất khẩu bị hạn chế, một số sản phẩm kinh doanh không đạt kỳ vọng. Nhưng xét về tổng thể, các ngành nghề Sơn Hà vẫn có kết quả kinh doanh đạt, hoặc vượt kế hoạch đề ra nhờ chiến lược kịp thời từ lãnh đạo cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng ta cần những giải pháp có tính chất dài hạn hơn. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.
 
Quảng cáo sản phẩm