Thủ tướng: Hội nhập kinh tế là trung tâm

06/03/2015 10:04 - 743 lượt xem

Việt Nam cần tập trung mạnh vào thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phát huy lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế tại trụ sở Chính phủ ngày hôm nay, 3-3.

Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, theo thông cáo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, nêu rõ sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, công tác hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Hội nhập quốc tế đã tạo được môi trường thuận lợi, ổn định cho phát triển; nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự chia sẻ, ủng hộ lập trường chính đáng của Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các lợi ích chính đáng khác của đất nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm là 18%, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mang lại nhiều lợi thiết thực cho đất nước.

Điểm sáng lớn nhất trong hội nhập quốc tế năm 2014 là việc đẩy nhanh và tiến tới kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong năm 2014, ba trong sáu FTA đang đàm phán đã cơ bản hoàn tất và lãnh đạo các bên đã ký các tuyên bố chung về kết thúc hoặc hướng kết thúc đàm phán, gồm FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA).

Đối với các hiệp định còn lại, Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các khâu đàm phán cuối cùng, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu.

Đề cập đến nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó lấy hội nhập kinh tế làm trung tâm; chủ động hơn trong tham gia, định hình luật chơi chung nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Tiếp tục triển khai hội nhập sâu rộng, hiệu quả về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục- đào tạo; chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết máu thịt giữa đồng bào trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài; tranh thủ các nguồn lực từ kiều bào để phục vụ cho mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; thực hiện tốt công tác bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.

Trong đối ngoại đa phương, Thủ tướng lưu ý cần hết sức chủ động, đề xuất, khởi xướng để xây dựng luật chơi chung theo mẫu số chung, theo thông lệ quốc tế, theo Hiến chương Liên hợp quốc và theo lợi ích của đất nước; tiếp tục chủ động tham gia các điều ước quốc tế, tham gia các hoạt động ở các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hội nhập quốc tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục, trong đó nổi lên là việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết thành kế hoạch của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa cụ thể; một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động hội nhập quốc tế; hoạt động phối hợp có nơi, có lúc còn chưa tốt; có những mảng, lĩnh vực về hội nhập còn thiếu chủ động trong triển khai thực hiện.

Nguồn: TBKTSG
Quảng cáo sản phẩm