Thực hiện quy định IUU - còn nhiều vướng mắc
03/08/2010 11:23
147 tấn hải sản nguyên liệu chỉ xin được 01 Giấy chứng nhận khai thác (C/C) trong khi khách hàng yêu cầu chia làm 3 côngtenơ xuất làm 3 lần. Doanh nghiệp (DN) phải làm sao khi C/C đã dùng xuất lô đầu tiên còn hai côngtenơ sau không đủ thủ tục cấp? Đây chỉ là lo lắng của một DN xuất khẩu hải sản sang EU tại “Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác theo Quyết định 3477/QĐ-BNN-BVNLTS” về việc ban hành Quy chế chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu do Tổng cục Thủy sản (D-FISH) và VASEP tổ chức ngày 22/07/2010 tại Tp.HCM.
Hơn 6 tháng thực hiện Quyết định số 3477/QĐ-BNN-KTBVNL của Bộ NN&PTNT ký ngày 4/12/2009 ban hành Quy chế chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, thủ tục mới và những vướng mắc phát sinh gây không ít khó khăn cho DN xuất khẩu vào thị trường này.
Một số DN phản ánh, hiện nay khách hàng Tây Ban Nha vẫn yêu cầu DN xuất khẩu nghêu sang Tây Ban Nha qua cảng Las Palmas phải có C/C, mặc dù DN đã gửi đến khách hàng các tài liệu liên quan từ phía cơ quan Việt Nam và liên minh Châu Âu nhằm chứng minh rằng nghêu Việt Nam không cần chứng nhận khai thác. Theo công thư 04460 và công văn 407, nghêu Việt Nam được khai thác bằng tay nên không thuộc phạm vi của IUU. Mặt khác theo Phụ lục 1, nghêu Việt Nam không nằm trong nhóm phải có giấy IUU, tuy nhiên, khách hàng vẫn khăng khăng yêu cầu giấy chứng nhận khai thác cho sản phẩm này.
Nhiều DN cho biết, để có được 01 C/C, DN cần phải hoàn tất tới 03 loại giấy tờ đó là: Giấy phép khai thác của tàu cá, nhật ký khai thác của các tàu đánh bắt và Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh của tàu. Thậm chí, một lô hàng buộc phải xin rất nhiều C/C trong khi Cơ quan có thẩm quyền lại cứng nhắc khi làm các thủ tục. Còn nguyên liệu nhập khẩu để xuất sang EU cũng đang bị kiểm soát bởi quy trình quá chặt chẽ của NAFIQAD từ đầu đến khi xuất khẩu.
Tại Bình Định, khi cán bộ đi làm Giấy C/C, ngoài bản gốc giấy Giới thiệu của Cty, cán bộ DN bắt buộc phải nộp 01 bản phôtô giấy CMTND. Còn tại Khánh Hòa, hiện nay, Chi Cục KT&BVNLTS tỉnh Khánh Hòa đã và đang thu lệ phí cấp C/C của DN mức 40.000 đ/giấy. Một lô hàng hải sản XK vào EU đang cần từ 15 - 20 giấy CC, thậm chí hơn. Như vậy phí để có được đủ bộ CC XK 1 lô hàng vào EU quả là không nhỏ.
Kể từ ngày 1/6/2010, Chi cục KT&BVNLTS Bình Thuận yêu cầu DN phải nộp thêm bản photocopy nhật ký khai thác các tàu đánh bắt khi xin giấy chứng nhận IUU của các tàu này. Điều này gây khó khăn nhiều cho DN khi mua hàng bởi phần lớn DN thu mua nguyên liệu từ các đại lý, trong khi ngư dân chưa nghiêm túc trong việc ghi nhật ký khai thác còn các đại lý rất ít khi phôtô lại và rất khó liên lạc với các chủ tàu.
Cục KT&BVNLTS đã tiếp thu ý kiến đóng góp của DN để dự thảo Quyết định thay thế QĐ 3477. Tại báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định 3477, Cục cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, cách hiểu của Việt Nam về một số thuật ngữ chưa đồng nhất với quy định của EC. Do cách hiểu khác nhau dẫn tới việc ghi thông tin trong Giấy chứng nhận khai thác hải sản cũng khác nhau. Thậm chí cho đến thời điểm này, ngư dân vẫn chưa nghiêm túc thực hiện việc ghi nhật ký khai thác. Hơn nữa, số lượng giấy chứng nhận và khối lượng công việc lớn khiến các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu gặp nhiều khó khăn trong quá trình cấp C/C cho doanh nghiệp…
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)