Tín hiệu vui cho xuất khẩu đầu năm

26/02/2021 12:00 - 93 lượt xem

Tính đến 15/2/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu trong gần 2 tháng qua cũng tăng khoảng 25%. Trong bối cảnh đại dịch covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây tác động cả trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, đây là kết quả tương đối khả quan.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những kết quả này.

Thưa ông, tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu rất khả quan. Xin ông cho biết những lĩnh vực, ngành hàng cụ thể nào có đóng góp lớn vào kết quả này?

Trong kết quả này xuất nhập khẩu đầu năm, chúng ta thấy có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất, trong đó đặc biệt là các khối ngành công nghiệp. Các mặt hàng như dệt may, da giày - chúng ta thấy trong năm 2020 - bị tác động rất lớn dẫn tới bị sụt giảm sâu tới 10%, nhưng trong một tháng rưỡi vừa qua cả hai ngành này cũng đã có bước tăng trưởng khá.

Đối với các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử thì chúng ta cũng chứng kiến mức tăng trưởng rất cao, phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh dãn cách xã hội bởi dịch bệnh nguy hiểm này. Hiện nay, một số trung tâm sản xuất các mặt hàng tương tự như vậy ở các khu vực trên thế giới do những cách hạn chế sản xuất nên nguồn cung từ phía Việt Nam cũng tăng cao.

Còn đối với nhóm hàng nông sản thì chúng ta cũng thấy mặc dù kim ngạch không lớn so với nhóm hàng công nghiệp nhưng trong một tháng rưỡi vừa qua (tính đến 15/2) thì xuất khẩu nông sản cũng đã đạt được tăng trưởng tốt, với khoảng 5%.

Còn đâu là những mặt hàng/lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng trong hoạt động xuất khẩu 2 tháng qua, thưa ông?

Trong năm 2020, nhất là trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh covid-19 bùng phát chúng ta thấy có những đặc điểm tác động đến xuất nhập khẩu, trước hết đó là việc thiếu hụt về nguồn cung. Vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020 thì khi chúng ta khôi phục và thích ứng được về nguồn cung thì khó khăn tiếp theo là về thị trường, tức là cầu. Đến cuối năm 2020 các vấn đề đó chúng ta đều vượt qua được thì từ cuối năm 2020 đến nay, khó khăn lại nằm ở khâu giữa - chính là khâu về logistics – là khâu kết nối giữa cung và cầu. Cụ thể là những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.

Còn ngay ở trong nước thì chúng ta cũng thấy là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã có những tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông và do vậy thì các hàng hóa để đưa ra cảng đi xuất khẩu cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm nay chỉ là 4-5%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì sao Bộ Công Thương lại đặt ra mục tiêu này và khả năng đạt được ra sao, thưa ông?

Có thể nói thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh quốc tế có những yếu tố bất ổn và xuất hiện rất nhanh. Ví dụ như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trong 10 năm vừa qua đã tác động rất sâu sắc và thay đổi hẳn bộ mặt của thương mại quốc tế, và đương nhiên có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Dịch Covid-19 cũng là yếu tố mà trước đây các quốc gia hầu như chưa tính toán đến, thì bây giờ tất cả các kịch bản phát triển chúng ta cũng đều phải đưa ra những yếu tố tương tự như vậy - tức là những vấn đề có thể không lường trước được ngay - như thiên tai, dịch bệnh hoặc những xung đột thì đều có thể tiềm ẩn những bất ổn.

Đồng thời, việc Việt Nam hiện nay đã tham gia và có độ mở rất lớn trong quá trình hội nhập, chính vì vậy sự tương tác và phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào xuất nhập khẩu cũng sẽ có sự phụ thuộc lớn hơn từ các thị trường thế giới. Khi cân nhắc những yếu tố như vậy thì Bộ Bông Thương đã đưa ra chỉ tiêu phát triển xuất khẩu trong thời gian tới ở mức 4-5%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì đây cũng là chỉ tiêu hợp lý để chúng ta phấn đấu hoàn thành được trong thời gian tới.

Chúng ta sẽ khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) như thế nào, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA - là những hiệp định đã có hiệu lực cũng như Hiệp định RCEP mới đc ký kết, thưa ông?

Năm 2020 là một năm mà có 3 FTA đã đi vào thực hiện và được ký kết, đó là Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và Hiệp định UKVFTA. Đặc biệt trong đó hiệp định EVFTA và hiệp định RCEP là những hiệp định có quy mô rất lớn và cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi mạnh mẽ.

Khi mà EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 thì ngay lập tức các số lượng các C/O mẫu EUR.1 là Form mẫu xuất khẩu đi EU đã tăng rất mạnh. Điều này đã thể hiện các doanh nghiệp của chúng ta đã nắm bắt được và khai thác được ngay lập tức các lợi thế từ Hiệp định này.

Tuy nhiên chúng ta cũng chứng kiến tác động của Covid-19 khiến một trong các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều chính là khu vực thị trường châu Âu. Chúng ta cũng thấy là đến hết năm 2020 và đến thời điểm này thì xuất khẩu sang EU cũng vẫn có được mức tăng trưởng tốt, không chỉ trong các nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới, đặc biệt như đối với nhóm hàng về đồ gỗ cũng có sự gia tăng rất là mạnh.

Trong thời gian tới khi mà các hiệp định này được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, khi mà các yếu tố về dịch bệnh hy vọng sẽ sớm được đẩy lùi cũng như việc đưa vắc xin vào áp dụng đại trà, thì chúng ta hy vọng những tác động của hiệp định này sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất của Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Với độ mở cao của nền kinh tế, nước ta cũng dễ gặp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương sẽ có giải pháp ứng phó ra sao với các vụ kiện này trong thời gian tới?

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, một trong những nhiệm vụ mà Bộ Công Thương triển khai tốt chính là việc ứng phó với các biện pháp về phòng vệ thương mại cũng như chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với hàng hóa của các nước. Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy các vụ kiện về phòng vệ thương mại cũng đã gia tăng rất cao, đặc biệt là xu hướng bảo hộ trong thương mại quốc tế. Với chức năng quản lý nhà nước, một mặt Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện được pháp luật về phòng vệ thương mại như Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản liên quan. Nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là Bộ Công Thương đã có hướng dẫn, trao đổi với các hiệp hội và các doanh nghiệp để có thể chủ động ứng phó được với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. Mặt khác chúng ta cũng có thể vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả các biện pháp mà pháp luật cũng như cam kết quốc tế cho phép để bảo vệ nhà sản xuất cũng như người nông dân ở trong nước, qua đó giúp cho các ngành kinh tế của chúng ta có thể phát triển cũng như nâng cao sức cạnh tranh. Và đây cũng là nhiệm vụ trong tâm mà Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!
Quảng cáo sản phẩm