Tọa đàm về các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu
08/04/2009 12:00
Ngày 3/4, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện các Bộ, ngành, các Vụ, Cục chức năng trực thuộc Bộ Công Thương, đại diện các doanh nghiệp FDI khu vực phía Bắc và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì buổi tọa đàm.
Theo báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp FDI và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI sản xuất, xuất khẩum, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước và ngày càng tăng. Nếu năm 2004 chiếm 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2007 tăng lên 39,7% và năm 2008 chiếm khoảng 44%, đạt 24,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2007 (không tính dầu thô, nếu tính cả dầu thô thì kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 34,5 tỷ USD, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Có thể thấy, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng lên qua các năm. Doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp như hàng dệt mày chiếm tỷ trọng 59%trong 2 tháng đầu năm 2009, giày dép 69,5%, điện tử 96,6%, máy móc thiết bị 85%, dây cáp điện 81,7%... Theo thống kê, xuất khẩu 10 mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp FDI chiếm 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 và 24,9% trong 2 tháng đầu năm 2009. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI bị sụt giảm, chỉ đạt 2,97 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2008 (2 tháng đẩu năm 2008 đạt 3,26 tỷ USD). Với tình hình này và nếu không có những giải pháp tích cực hữu hiệu thì dự kiến trong năm 2009, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ lên tới 10 - 15%, chỉ đạt khoảng 19-20 tỷ USD. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu tác động làm cho kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp sụt giảm là do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhìn chung, sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp FDI trong những năm qua đã khẳng định kết quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. Với việc thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới từ 01/7/2006, cùng với việc trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ 11/7/2007, môi trường đầu tư của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã có các chính sách về tài chính, tiền tệ phù hợp, kịp thời đối phó với các tình huống khó khăn như lạm phát tăng cao, suy giảm kinh tế...
Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức như: thị trường xuất khẩu đã và đang bị thu hẹp mạnh, nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường chủ lực có xu hướng giảm, sức ép cạnh tranh từ các nước châu Á gia tăng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, điện tử; năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về sản lượng như những năm trước; một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn như dệt may và da giày chịu tác động của một số quy định mới từ năm 2009 như Mỹ bỏ hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc, EU không gia hạn quy chế GSP đối với hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam...; nhiều mặt hàng xuất khẩu hiện đang gặp phải rào cản thương mại liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...; giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tiếp tục đứng ở mức thấp và khó có thể tăng trong năm 2009; đối với doanh nghiệp FDI ngoài những khó khăn nêu ở trên còn có những bất cập khác như một số cơ chế chính sách cần được cụ thể hơn, các vấn đề về quy hoạch, về cơ sở hạ tầng...
Tuy có khó khăn về giá cả và thị trường nhưng xuất khẩu năm 2009 cũng có những cơ hội: Lãi suất cho vay giảm mạnh và điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn năm 2008. Chính phủ giành sự quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, cụ thể: ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ đưa ra các nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm tăng trưởng kinh tế; áp dụng nhiều chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách miễn, giảm, hoãn, giãn thời gian nộp thuế...., chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, áp dụng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục hoàn thuế để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các Bộ, ngành triển khai đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các quy định của Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, góp phần giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp FDI đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến những lĩnh vực cụ thể như: đánh giá tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp trong năm 2009 với những khó khăn về thị trường xuất khẩu, khó khăn về sản xuất và dự kiến xuất khẩu năm 2009; trên cơ sở đó, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn về sản xuất trong nước, các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nước ngoài; về chính sách xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại; về chính sách thuế, về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; về chính sách tiền tệ (tỷ giá, lãi suất), tiếp cận vốn...
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng đã giải đáp những vướng mắc trong xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI.
Nguồn: http://www.moit.gov.vn
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)