Tòa Phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ công bố xóa bỏ một qui định sử dụng trong vụ điều tra CBPG đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

27/09/2010 10:30 - 908 lượt xem

Tháng 5/2010, Tòa Phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ vừa tuyên bố chấm dứt qui định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về việc xác định giá lao động trong các vụ kiện chống bán phá giá liên quan tới hàng hóa nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường (NME). Việc Hoa Kỳ bất ngờ chấm dứt qui định vốn tồn tại 13 năm qua mở ra một điểm bất định trong cách tính toán bán phá giá của DOC và và điều này có thể sẽ cho kết quả biên độ phá giá thấp hơn đối với các hàng nhập khẩu sử dụng nhiều lao động từ các nước có nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Qui định về việc xác định giá lao động này của DOC đã gây tranh cãi trong vụ kiện Dorbest Limited v. United States, vụ kiện khởi xướng bởi các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất phòng ngủ của Trung Quốc, các công ty đã bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ cuối năm 2004. Trong vụ kiện, các nhà sản xuất phản đối cách tính giá lao động của DOC. Theo các qui định về chống bán phá giá, DOC đã không sử dụng chi phí thực tế để xác định chi phí sản xuất, một phương pháp chính thường được DOC sử dụng trong tính toán biên độ phá giá đối với các nhà sản xuất từ các nước có nền kinh tế phi thị trường. Theo luật, Hoa Kỳ chỉ được phép bỏ qua chi phí thực tế trong trường hợp có sự can thiệp của chính phủ vào thị trường, đồng thời chi phí và giá cả không được xác định trên các nguyên tắc của thị trường tự do.

Đối với hàng nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường, thay vì căn cứ trên chi phí thực tế, DOC căn cứ vào giá của các nhân tố sản xuất đầu vào của các nước có nền kinh tế thị trường thay thế. Nước thay thế là nước có nền kinh tế thị trường, có điều kiện kinh tế tương tự với nước bị điều tra và là nước sản xuất đáng kể mặt hàng này. Trong các vụ kiện, DOC thường chỉ sử dụng một nước thay thế và trong các vụ kiện Trung Quốc (gồm cả vụ kiện đồ gỗ nội thất phòng ngủ), nước thay thế thường là Ấn Độ. Các nhân tố sản xuất thay thế gồm: nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí SG&A, tổng chi phí và lợi nhuận.

Tuy nhiên, DOC đã không sử dụng mức lương của Ấn Độ để xác định giá lao động của Trung Quốc. Thay vào đó, theo qui định về xác định giá lao động (19 C.F.R. § 351.408(c)(3)), DOC áp dụng một phương pháp khác để tính giá lao động thay thế đó là: “tỷ suất lương hồi qui phản ánh mối quan hệ giữa lương và thu nhập quốc gia của một nhóm nước kinh tế thị trường”. Do vậy trong cuộc điều tra này, thay vì dựa trên mức lương của một nước thay thế duy nhất, DOC xác định giá lao động của Trung Quốc dựa trên mức lương của 61 nước có nền kinh tế thị trường bao gồm các nước có thu nhập quốc gia (GNI) từ 420 USD (Pakistan) tới 39,470 USD (Luxembourg). GNI đầu người của Trung Quốc là 960 USD. Kết quả là, mức lương của Trung Quốc do DOC xác định cao gấp 3 lần so với mức lương của ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất Ấn Độ.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cho rằng qui định về xác định giá lao động này của DOC vi phạm luật chống bán phá giá. Trong một quyết định về xây dựng luật, Tòa án Phúc thẩm đã tán thành luận điểm này. Tòa án nhận định, điều khoản 19 U.S.C. § 1677b(c)(4)(A)) qui định 2 yêu cầu cơ bản đối với phương pháp tính giá của các nhân tố sản xuất (bao gồm nhân tố lao động) trong vụ kiện các nước có nền kinh tế phi thị trường. Cụ thể, các phương pháp này cần sử dụng dữ liệu từ:

• các nước có nền kinh tế thị trường có điều kiện kinh tế tương tự với nước bị điều tra

• là nước sản xuất đáng kể hàng hóa thuộc đối tượng điều tra.

Tòa án cho rằng cách tính của DOC không đáp ứng được cả 2 yêu cầu này. Thứ nhất, qui định này xác định mức lương dựa trên mức lương của rất nhiều nước gồm cả các nước kinh tế tương tự với nước có nền kinh tế phi thị trường (Trung Quốc) và các nước không tương tự. Thứ hai, qui định này sử dụng mức lương từ cả nước sản xuất lượng hàng hóa tương tự với nước có nền kinh tế phi thị trường (trong vụ kiện này là đồ nội thất gỗ phòng ngủ) và từ các nước sản xuất lượng hàng hóa không tương tự. Đồng thời liên quan tới việc sử dụng các số liệu này, qui định không yêu cầu DOC chỉ ra sự không sẵn có của số liệu thích hợp từ các nước có nền kinh tế thị trường tương tự có lượng sản xuất hàng hóa đáng kể. Cuối cùng, Tòa án kết luận qui định này “không có hiệu lực do không tuân thủ” các tiêu chí trong luật chống bán phá giá. Tòa án yêu cầu DOC xác định lại giá lao động thay thế sử dụng phương pháp tính theo đúng luật định.

Mặc dù Dorbest lo ngại về mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Trung Quốc, vụ việc này có ý nghĩa to lớn. Với việc chấm dứt qui định này, DOC phải xác định cách tính mức lương của các nước có nền kinh tế phi thị trường – để sử dụng trong các cuộc điều tra còn tồn đọng và sẽ phát sinh trong tương lai và trong các cuộc rà soát hành chính. DOC vẫn chưa tuyên bố cách thức thực thi phán quyết của Tòa án, nhưng cho hay sẽ xác định giá lao động trong những vụ kiện tương tự như vậy bằng cách dẫn chiếu tới: (1) mức lương của nước được lựa chọn thay thế để tính toán giá trị các nhân tố sản xuất hoặc (2) một nhóm nhỏ các nước có nền kinh tế thị trường ở mức phát triển tương tự và sản xuất hàng hóa tương tự. Bằng cách này có thể giảm biên độ phá giá đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao đông. Các công ty hiện đang bị Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá nên xem xét phán quyết này của Tòa án có thể làm thay đổi thuế chống bán phá giá.

Ngọc Hường (dich)

Nguồn: www.sidley.com

Quảng cáo sản phẩm