Triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp phòng vệ thương mại

15/07/2022 09:17 - 10 lượt xem

Nửa đầu năm 2022, công tác phòng vệ thương mại tiếp tục được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh.

 

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

 

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Cục đã nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại; tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm; đẩy mạnh công tác thực thi, sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, người dân...

 

"Đối với hoạt động xuất khẩu, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời... (trong đó có 7 vụ việc điều tra chống lẩn tránh). Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại" - ông Lê Triệu Dũng thông tin.

 

Bên cạnh đó, phạm vi điều tra phòng vệ thương mại cũng mở rộng. Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Bên cạnh đó, trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc. Tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp...

 

Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp (với các mặt hàng như tôm, cá tra, basa, một số sản phẩm thép, ván gỗ MDF…), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada...

 

Ông Lê Triệu Dũng nêu cụ thể: "Đặc biệt, trong vụ việc chống bán phá giá với mật ong, nhờ sự chỉ đạo sát sao, trao đổi trực tiếp của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp Việt Nam từ mức 410,93% - 413,99% (sơ bộ) xuống gần 7 lần còn 58,74% - 61,27% (chính thức) giúp ngành mật ong có thể nỗ lực tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ, duy trì sinh kế của gần 4 vạn người nuôi ong".

 

Công tác cảnh báo sớm cũng được Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh. Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

 

Tăng cường điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

 

Đặc biệt, công tác điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

 

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Các mặt hàng điều tra đa dạng gồm: các sản phẩm kim loại cơ bản, hóa chất, phân bón DAP, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng cơ bản, trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng tới đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt).

 

Đặc biệt, việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường, giúp tiêu thụ hết mía, tăng thu nhập của nông dân và theo phản ánh, nhiều địa phương đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Phòng vệ thương mại đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra theo đúng quy định và sẽ sớm báo cáo lãnh đạo Bộ biện pháp ngăn chặn đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN khác để vào Việt Nam.

 

Thống kê cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm đến 10,27% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2021) và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

 

Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

 

Cuối cùng, cùng với công tác kháng kiện, khởi kiện, các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương cũng được thực hiện một cách toàn diện, đặc biệt thông qua các chương trình làm việc, đào tạo, xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho các hiệp hội, cung cấp bản tin cảnh báo sớm hàng tuần... Đặc biệt, nội dung thông tin về phòng vệ thương mại đã được cụ thể hóa, chi tiết cho từng ngành hàng/ từng nhóm ngành hàng (ví dụ như thép, gỗ, thủy sản, pin mặt trời, gạch men, mật ong, mía đường...).

 

Khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả phòng vệ thương mại

 

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phòng vệ thương mại trong 6 tháng đầu năm cũng tiếp tục cho thấy một số hạn chế như nhận thức về phòng vệ thương mại, đặc biệt là tại các địa phương, nhiều ngành hàng còn hạn chế, các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương cần được củng cố để đảm bảo hiệu quả trong việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài...

 

Những tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên tác động tiêu cực của dịch tới tình hình kinh tế thế giới, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng; đứt gãy và định hình lại chuỗi cung ứng...

 

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của ta có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.

 

Trong bối cảnh đó, công tác phòng vệ thương mại 6 tháng cuối năm 2022 cần tập trung vào các định hướng và giải pháp lớn như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án lớn về phòng vệ thương mại. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mại để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam như nông sản.

 

Theo dõi chặt chẽ các diễn biến, chính sách của các nền kinh tế lớn, quan trọng để có kiến nghị, giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

 

Theo dõi, chủ động điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm cơ bản, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế tự chủ, tăng khả năng chống chịu trước các diễn biến bên ngoài.

 

Với các kết quả và định hướng nêu trên, chúng ta có cơ sở để tin tưởng công tác phòng vệ thương mại năm 2022 sẽ tiếp tục đạt được kết quả nổi bật, góp phần vào thành công chung của nền kinh tế, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.

 

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm