Trung Quốc- ASEAN và khu mậu dịch không biên giới

12/01/2010 06:56 - 711 lượt xem


Khi chiếc đồng hồ điểm thời khắc giao thừa sang năm mới 2010, Trung Quốc và mười quốc gia khu vực Đông Nam Á đã trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn thứ ba trên thế giới. Đây cũng là thời điểm trên vũ đài kinh tế thế giới đã xuất hiện một đấu thủ đang nể.


Kể từ ngày 1/1/2010, Hiệp định về thành lập vùng thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương (ASEAN) có hiệu lực.
 
Có thể coi đây là đối thủ cạnh tranh chính của Liên minh châu Âu (EU) và vùng thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Liên minh này là lớn nhất về dân số, liên kết 1/3 cư dân thế giới và đang đứng thứ ba toàn cầu về sức mạnh kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên có hình thức liên kết tương tự, nhưng thành phần thuần túy gồm những quốc gia đang phát triển, trong đó có những nước thuộc loại quốc gia có tiềm năng khổng lồ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ vài năm nữa các thành viên trong liên minh mới này sẽ cải thiện một cách đáng kể các chỉ số của mình.
 
Ngoài ra, thủ lĩnh không cần bàn cãi của khối liên kết là Trung Quốc, với nền kinh tế đang sải những bước dài về phía trước. Điểm lại thương mại giữa Trung Quốc và mười quốc gia Đông Nam Á (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN) đã tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 59,6 tỷ USD năm 2003 lên tới 192,5 tỷ USD năm 2008. Khu vực mậu dịch tự do, theo đó sẽ xóa bỏ thuế quan cho 90 hạng mục hàng hóa buôn bán, dự kiến sẽ giúp tăng khối lượng thương mại giữa hai bên lên cao hơn nữa. Đồng thời,  khu vực này dự kiến cũng sẽ giúp các nước ASEAN tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng hóa mà Trung Quốc vốn đang “đói khát” tài nguyên thèm muốn. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN đối mặt với ít sự phản đối hơn so với các khu vực mậu dịch tự do ở châu Âu hay khu vực Bắc Mỹ, có thể vì những mức thuế quan hiện nay vẫn ở mức thấp và không có khả năng để thay đổi các mô hình thương mại một cách triệt để.
 
Tuy nhiên, một số nhà sản xuất ở Đông Nam Á quan ngại rằng, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể sẽ tràn ngập các thị trường của họ một khi các loại thuế quan nhập khẩu bị xóa bỏ, khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ lại hoặc tăng thị phần nội địa. Inđônêxia tỏ ra lo ngại về vấn đề này đến mức đã có kế hoạch yêu cầu trì hoãn việc xóa bỏ thuế quan đối với một số mặt hàng như các sản phẩm sắt thép, dệt may, hóa dầu và điện tử. Ông Sothirak Pou, một thành viên nghiên cứu cấp cao thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Xingapo, đã nói rằng: “Không phải tất cả mọi người ở ASEAN đều cho rằng khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN là một lợi thế”.
 
Trong những năm gần đây, các nước ASEAN và Trung Quốc đã giảm nhiều loại thuế quan. Tuy nhiên, theo như hiệp định thương mại tự do (FTA), được hai bên ký kết năm 2002, Trung Quốc, Inđônêxia, Thái Lan, Philíppin, Malaixia, Malaixia, Xinhgapo và Brunây, sẽ phải xóa bỏ tất cả các loại thuế quan vào năm 2010. Những thành viên ASEAN còn lại như Campuchia, Lào, Việt Nam và Mianma sẽ giảm từ từ các loại thuế quan trong những năm tới và xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2015.
 
Hầu hết các loại hàng hóa được miễn thuế vào tháng giêng, bao gồm các mặt hàng sản xuất, hiện nay đang phải chịu mức thuế nhập khẩu khoảng 5%. Một số sản phẩm nông nghiệp và phụ tùng mô tô, xe máy và máy móc hạng nặng vẫn phải chịu các mức thuế quan trong năm 2010 nhưng sẽ được xóa bỏ dần dần.
 
 Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Ông Thomas Kaegi, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng UBS Wealth Management Research, nói rằng cán cân thương mại tổng thể đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc mặc dù vẫn còn có những khác biệt lớn về cân bằng thương mại giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Xinhgapo, Malaixia và Thái Lan có thâm hụt thương mại rất nhỏ với Trung Quốc, trong khi đó thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc là 4,5 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lên tới 15,7 tỷ USD.
 
Tại Inđônêxia, các ngành công nghiệp sắt thép và dệt may đặc biệt lo ngại về việc xóa bỏ thuế quan, khiến cho chính phủ nước này phải tuyên bố rằng sẽ tìm cách yêu cầu trì hoãn việc thực hiện một số điều khoản. Không có khung thời gian nào cho việc đệ trình yêu cầu được đưa ra, nhưng Ban Thư ký ASEAN nói rằng vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức từ phía Inđônêxia.

 Các nhà phân tích cho rằng, trong khi việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn từ phía Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều thách thức mới đối với các nhà sản xuất của ASEAN thì việc tiếp cận với thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc cũng có thể đem lại những lợi ích quan trọng. Rodolfo Severino, người đã từng giữ cương vị Tổng thư ký ASEAN từ năm 1998 đến năm 2002, xác định Malaixia, hiện đang xuất khẩu dầu cọ, cao su và khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc, là một trong số những nước có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ việc xóa bỏ các loại thuế quan. Nhưng các quốc gia như Việt Nam vốn tập trung vào việc sản xuất các loại mặt hàng tiêu dùng giá rẻ sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Ông Severino, hiện nay làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN của Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Xingapo, nói rằng những nước này cần phải tìm kiếm những hàng hóa xuất khẩu mới và xác định những mảng thị trường mới.
 
Nhà nghiên cứu Sothirak, người đã từng làm Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Năng lượng của Campuchia từ năm 1993 đến 1998, nói rằng việc xóa bỏ các loại thuế quan có thể sẽ giúp tăng xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của nước này tới Trung Quốc. Ông Sothirak nhận định, Campuchia cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của mình bởi vì hàng hóa xuất khẩu của nước này tới châu Âu và Mỹ đã giảm sút. Về việc xuất khẩu hàng dệt may, Campuchia không hy vọng có đủ sức cạnh tranh với ngành công nghiệp may mặc đã phát triển cao của Trung Quốc, nhưng ông Sothirak nói, ông tin rằng hiệp định FTA có thể sẽ thu hút nhiều nhà máy may mặc của Trung Quốc thành lập các cơ sở sản xuất ở Campuchia nơi mà giá nhân công và chi phí sản xuất rẻ hơn.
 
Hiển nhiên, sự hợp tác của Trung Quốc và các nước ASEAN với những đối tác phương Tây truyền thống vẫn sẽ được tiếp nối đồng thời cũng giảm dần mức độ phụ thuộc. Xét về phía Nga, thì sự hợp tác Trung Quốc – ASEAN cũng tạo điều kiện cho Nga củng cố mối liên kết và sự hội nhập vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Andrei Ostrovski, Phó giám đốc Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói: "Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đều tổn thất ở mức độ nhỏ nhất bởi khủng hoảng và vào thời điểm này lại đang phát triển với nhịp độ nhanh chóng. Giao thương với những quốc gia này cho phép Nga trong thời gian ngắn sẽ giải quyết vấn đề phát triển kinh tế trên địa bàn Viễn Đông và Đông Xibiri. Vì vậy, Nga nên phát triển quan hệ với các nước này của khu vực.
 
Tất nhiên, liên minh mới sẽ là thực thể kinh tế mà các đấu thủ khác trên thế giới cần phải tinh đến. Hoạt động hiệu quả của nó có thể sẽ thúc đẩy cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ký kết những văn kiện tương ứng cùng với Trung Quốc và ASEAN, điều mà lúc này các bên đã bộc lộ mối quan tâm.
 
Ông Pushpanathan, Sundram, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thừa nhận rằng sẽ có “một số thiệt hại liên quan” đến một số quốc gia khi hiệp định FTA Trung Quốc - ASEAN có hiệu lực, nhưng cả Trung Quốc và ASEAN sẽ “cùng có lợi”. Bất chấp những kỳ vọng về việc tăng khối lượng thương mại, ông Severino dự đoán rằng việc hình thành khu vực mậu dịch tự do sẽ không phải là “một sự kiện đột phá” để giúp cho thương mại trong khu vực tăng lên đột biến kể từ tháng 1/2010.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm