Trung Quốc "bắt nạt" đối tác nhỏ?

17/09/2007 12:00 - 1538 lượt xem

Gần đây, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và nhiều nước thành viên ASEAN rơi vào tình trạng căng thẳng do các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và dược phẩm. Một số nước ở châu Á đang nhìn nhận sự việc như động thái "bắt nạt" từ phía Trung Quốc.
Tháng trước, người đứng đầu cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Indonesia, bà Husniah Rubiana Thamrin Akib, đã nhiệt tình đón tiếp các đồng nghiệp từ Trung Quốc sang để tìm hướng giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và dược phẩm.

Tuy nhiên, điều bất ngờ mà bà nhận được là đại diện phía Trung Quốc đề nghị Indonesia hạ tiêu chuẩn an toàn xuống. “Tôi đã rất thất vọng và kinh ngạc, đồng thời yêu cầu họ tôn trọng hệ thống tiêu chuẩn của Indonesia,” bà nói.

Bà Husniah đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp danh mục các mặt hàng mà Trung Quốc đã cho thu hồi ở trong nước, do nghi ngờ nhiều sản phẩm loại này có thể vẫn được xuất sang Inđônêxia. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã từ chối cung cấp.

Ngay trước khi diễn ra cuộc họp nói trên, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đối với thuỷ sản của Indonesia, và bà Husniah cáo buộc đây là hành động trả đũa thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận sự việc.

Bà Husniah, cũng như một số quan chức của Philippin và Malaixia, cho rằng trước những khiếu nại của Mỹ về vấn đề an toàn sản phẩm, Trung Quốc đã cố gắng trấn an dư luận rằng họ đang và sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn sản phẩm. Trong khi đó, với các nước kém phát triển hơn hay những nước có vị thế chính trị không lớn, phía Trung Quốc lại thể hiện một thái độ khác hẳn.

Giới chức Indonesia cáo buộc Trung Quốc đẩy hàng kém phẩm chất và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn an toàn thấp hơn đối với nước nghèo - những nước hầu như không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải phụ thuộc vào nguồn hàng giá rẻ, viện trợ và vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Hồi tháng 7, sau khi chính phủ Philippin công khai khuyến cáo người dân rằng kẹo White Rabbit có chứa formaldehyde, nhà sản xuất kẹo mang nhãn hiệu trên - công ty Guan Sheng Yuan của Trung Quốc - đã khẳng định rằng kẹo có chứa formaldehyde, nếu có, chắc chắn là hàng giả, đồng thời cáo buộc Philippin đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu của họ và dọa sẽ khởi kiện.

Trả lời báo chí, lãnh đạo công ty cho biết họ chưa khởi kiện, và đưa ra “tối hậu thư” là nếu phía Philippin có hành động sửa sai thì họ sẽ bỏ qua sự việc.

Cùng lúc, Trung Quốc đã ban hành lệnh thu hồi chuối sấy khô của Philippin vì cho rằng sản phẩm này có chứa sulfur dioxide - hóa chất này có thể dùng làm chất bảo quản, nhưng nếu ở liều lượng cao có thể gây nguy hiểm.

Trong một động thái khác, Trung Quốc đã gây sức ép để Hồng Kông phải xem xét lại quyết định thu hồi kem đánh răng có chứa loại hoá chất mà các nước khác coi là độc tố. Trung Quốc khẳng định rằng nồng độ hóa chất chưa đến mức gây hại cho người tiêu dùng, nên yêu cầu Hồng Kông có báo cáo giải trình lý do thu hồi. 

Tại Malaixia, ngay sau khi có lệnh cấm tiêu thụ các sản phẩm quả hạch bị mốc và hoa quả sấy khô chứa chất làm ngọt có thể gây ung thư nhập khẩu từ Trung Quốc, thì cũng có cảnh báo từ phía Trung Quốc đối với mặt hàng sữa chua nhập khẩu từ Malaixia, do không đáp ứng quy định về nhãn mác.

Tuy nhiên, các quan chức phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm của Trung Quốc phản bác lại rằng các lệnh cấm và yêu cầu thu hồi của các nước đối với hàng hóa Trung Quốc chẳng qua là một kiểu rào cản kỹ thuật nhằm hợp pháp hóa những hành động mà đáng lẽ phải bị coi là cạnh tranh bất bình đẳng. 

Một quan chức của Trung tâm tư vấn các vấn đề thương mại thế giới ở Thượng Hải cho rằng vấn đề ở đây là luôn có sự cạnh tranh giữa hàng hoá Trung Quốc với hàng hóa của các nước khác.

Đây là một lập luận khá thuyết phục ở châu Á, nơi có nhiều nước không chỉ là khách hàng lớn mà còn là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc. Trong một cuộc hội thảo gần đây tại Philippin, Trung Quốc và ASEAN thống nhất sẽ tăng cường đối thoại để nâng cao tiêu chuẩn hàng hoá.

Những tranh cãi xoay quanh vấn đề an toàn thực phẩm ở châu Á cho thấy vai trò của khoa học, hay các tiêu chuẩn, trong các quan hệ chính trị-thương mại giữa các nước.

Ông Desmond O’Toole, một chuyên gia về an toàn thực phẩm, đồng thời là giáo sư sinh-hoá của Đại học City (Hồng Kông) cho rằng đôi khi chính phủ một nước ban hành lệnh cấm đối với mặt hàng nào đó, lấy lý do là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là các trường hợp liên quan đến hóa chất, nhưng động cơ thật sự phía sau là lợi ích thương mại.
11/09/2007

Nguồn: dantri
Quảng cáo sản phẩm