Trung Quốc kiên quyết giữ nguyên hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm
18/07/2011 12:00
Liên minh châu Âu (EU) đã buộc tội Trung Quốc về việc hạn chế xuất khẩu các kim loại đất hiếm - nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao khác.
Sau nhiều tháng vận động hành lang từ Brussels, Washington và Tokyo, mới đây Trung Quốc đã đưa ra các số liệu hạn ngạch mới. Tuy nhiên, theo số liệu mới này, mức xuất khẩu các kim loại chiến lược đó vẫn không đổi so với năm ngoái. Các quan chức và các nhà giao dịch của EU đã nhận định rằng mức hạn ngạch mới rốt cuộc là một mức giảm thực sự bởi vì nó đã được sửa đổi để bao gồm cả hợp kim sắt mà trong đó có chứa các kim loại đất hiếm.
Theo Ủy ban thương mại châu Âu: “EU tiếp tục thúc đẩy các nhà chức trách Trung Quốc xem xét lại chính sách hạn chế xuất khẩu của họ nhằm đảm bảo sẽ có tiếp cận đầy đủ, công bằng và không phân biệt đối xử đối với nguồn cung đất hiếm cũng như các nguyên liệu thô khác cho các ngành công nghiệp của EU.”
Một ban hội thẩm của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng đã phản đối những hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô khác như bô xít và kẽm. Các quan chức tại Brussels và Washington đã hi vọng rằng quy định của WTO sẽ thúc đẩy Bắc Kinh nới lỏng hơn những kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu đất hiếm.
Ông Karel De Gucht - ủy viên thương mại EU đã bày tỏ sự lạc quan về một giải pháp được thương lượng sau một cuộc họp với đối tác Trung Quốc, ông Chen Deming tại Bắc Kinh. Trong khi các quan chức của EU khăng khăng rằng mọi sự lựa chọn vẫn đang được xem xét thì ông Chen khẳng định ông không lo ngại trước một quy định của WTO về đất hiếm.
Các nhà sản xuất châu Âu không ngừng gia tăng những lo sợ khi Trung Quốc thực hiện thắt chặt hạn mức xuất khẩu. Theo Ủy ban châu Âu, quốc gia cung cấp hơn 90% đất hiếm của thế giới này đã cắt giảm tới 40% xuống còn 30.259 tấn so với năm ngoái. Các chính sách về đất hiếm của Trung Quốc đã ngặt nghèo hơn kể từ năm ngoái khi các nhà giao dịch cho rằng Trung Quốc đã cắt giảm nguồn cung đất hiếm tới Nhật Bản sau một cuộc tranh luận thương mại. Các nhà khai thác mỏ hiện đang gấp rút phát triển các khoáng sản mới tại Australia, Mỹ, Nam Phi và các quốc gia khác nhưng những nguồn cung mới này sẽ vẫn chưa thể được kích hoạt cho tới năm 2012 hay 2013.
Giá đất hiếm đã nhảy vọt trong năm nay một phần theo các quan chức Trung Quốc là do những lo ngại về môi trường đã dẫn tới một sự càn quét rộng rãi trong lĩnh vực này khiến nhiều mỏ phải ngừng hoạt động.
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)