Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) tìm cách củng cố các quy định thông báo WTO và phòng vệ thương mại

26/07/2017 12:00 - 1035 lượt xem

Tại cuộc họp không chính thức của Nhóm đàm phán quy tắc của WTO vào ngày 14 tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất mới nhằm củng cố các quy định của WTO về tính minh bạch và tuân thủ quy trình trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, trong khi đó Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra một sáng kiến mới nhằm cải thiện việc báo cáo về các chương trình trợ cấp lên WTO.
 
Đề xuất của Trung Quốc (TN/RL/GEN/190) dựa trên cơ sở một tài liệu trước đó trong đó tìm cách củng cố hơn nữa các quy định trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Nỗ lực gần đây nhất của Trung Quốc tập trung vào quy định về tính minh bạch và tuân thủ quy trình mà nước này tin là đã có mức độ thống nhất cao giữa các thành viên WTO.

Trung Quốc cho biết đề xuất của họ phần lớn dựa trên các quy định trong bản lời văn tổng hợp do Chủ tịch của Nhóm đàm phán quy tắc ban hành năm 2011, với một số điều chỉnh nhằm giải quyết các quan ngại về các trách nhiệm bổ sung có thể có đối với các cơ quan điều tra. Trung Quốc cho rằng tính minh bạch và việc tuân thủ quy trình là rất quan trọng đối với các bên liên quan của cả hai phía (bên khởi kiện và bên bị kiện) để bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của họ, và đối với các cơ quan điều tra nhằm đưa ra các kết luận công bằng và không thiên vị.

Trung Quốc đã nhấn mạnh tại cuộc họp này rằng họ không kết nối việc  đàm phán các quy tắc trong chống bán phá giá và chống trợ cấp với bất kỳ vấn đề nào khác. Trung Quốc cho biết hi vọng việc làm rõ này sẽ xóa bỏ mối nghi ngại của một số thành viên và khích lệ các thành viên này tham gia hơn nữa vào các thảo luận.

Đề xuất của EU tìm cách giải quyết một vấn đề được cho là “mức thấp kỷ lục” của các thành viên WTO trong việc thông báo các chương trình trợ cấp của họ lên WTO, một nghĩa vụ cơ bản được quy định trong Điều 25 của Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO (SCM Agreement). EU đã lưu ý rằng tỉ lệ các thành viên đáp ứng nghĩa vụ này đã giảm từ 50% năm 1995 xuống 38% trong năm 2015. EU cho biết vấn đề không chỉ là các thành viên không thông báo mà còn là chất lượng các thông báo được nộp còn kém.

Đề xuất của EU (TN/RL/GEN/188) đưa ra ba lựa chọn nhằm cải thiện việc báo cáo trợ cấp: yêu cầu Ban Thư ký WTO lưu hành các thông báo của các chương trình trợ cấp chưa được thông báo tới WTO nhưng các thành viên khác đã cho Ban Thư ký biết; xây dựng một quy định trong Hiệp định SCM mà theo đó các chương trình trợ cấp không được thông báo sẽ được cho là “có thể bị kiện” và gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” tới lợi ích của các thành viên WTO khác; và xây dựng một quy định giả định rằng các chương trình trợ cấp có thể bị kiện chỉ khi một thành viên khác thông báo cho WTO rằng các chương trình trợ cấp đó chưa được thông báo, ngay cả sau khi thành viên cấp trợ cấp đã được đề nghị thông báo trước đó.

Phản ứng của các Thành viên đối với cả hai đề xuất là khác nhau. Đối với đề xuất của Trung Quốc, các thành viên đưa ra các quan điểm khác nhau về việc liệu bản lời văn tổng hợp của Chủ tịch năm 2011 có phản ánh “một mức độ thống nhất nhất định”giữa các thành viên đối với các vấn đề Chống bán phá giá/chống trợ cấp như Trung Quốc đã khẳng định hay không. Một thành viên cho rằng không có một nền tảng chung nào để từ đó nhóm NGR có thể tham gia đóng góp một cách xây dựng vào nội dung phòng vệ thương mại.

Đối với đề xuất của EU, trong khi các thành viên nói chung ủng hộ ý kiến cải thiện việc báo cáo về trợ cấp, một số bày tỏ sự miễn cưỡng đối với ý kiến xây dựng quy định giả định mà họ cho rằng có thể làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ hiện tại của các thành viên theo Hiệp định SCM.

Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh
Quảng cáo sản phẩm