Trung Quốc: Nhà cung cấp thủy sản lớn nhất của Mỹ
15/10/2010 11:03
Theo một báo cáo của Islandbanki, Trung Quốc đã thay thế Canađa trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn nhất của Mỹ, vì Mỹ ngày càng lệ thuộc vào thủy sản nhập khẩu của nước này.
Lượng nhập khẩu chiếm 89% nguồn cung thủy sản của Mỹ, tăng so với 74% năm 1999. Năm 2009, Mỹ nhập khẩu 2,4 triệu tấn thủy sản làm thực phẩm, trị giá 13,1 tỉ USD.
Trung Quốc chiếm tỉ trọng cao nhất, vượt qua Canađa, sau đó đến Thái Lan, cả 3 nước này chiếm gần 50% khối lượng nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ năm 2009.
Tỉ lệ nhập khẩu của Mỹ cao một phần do nước này xuất khẩu hầu hết sản lượng khai thác được. Năm 2009, Mỹ xuất khẩu 79% sản lượng khai thác nội địa, tăng so với 60% của năm 1999.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn thấp hơn nhiều so với nhập khẩu, đạt 1,15 triệu tấn, trị giá 4 tỉ USD năm 2009.
Tiêu thụ cá rôphi, cá tra tăng. Tôm, cá ngừ đóng hộp và cá hồi vẫn là 3 mặt hàng thuỷ sản được tiêu thụ nhiều nhất kể từ năm 2001. Trong khi tiêu thụ các loài thủy sản khác chỉ ở mức khiêm tốn hoặc sụt giảm trong vài năm trở lại đây, thì tiêu thụ cá rôphi và cá tra lại đang tăng lên. Cá tuyết chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng, giảm 59%, tụt xuống vị trí thứ 8 trong danh sách năm 2009 với mức tiêu thụ bình quân 0,2kg/người.
Mặc dù lượng tiêu thụ thấp hơn mức trung bình của thế giới, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ 3 thế giới và là quốc gia đánh bắt thủy sản lớn thứ 6.
Trong khi tiêu thụ bình quân thủy sản sống tăng lên thì tiêu thụ bình quân thuỷ sản chế biến lại giảm từ năm 2006, đạt 7,17 kg/người năm 2009. Tiêu thụ thủy sản của Mỹ thấp hơn mức bình quân thế giới 2kg, đạt mức 14,7kg/người.
Tuy nhiên, so với thịt, tốc độ tăng của thuỷ sản cũng đáng kể: tỉ trọng của thủy sản trong tổng tiêu thụ protein của Mỹ tăng từ 6,6% năm 1970 lên 8,1% năm 2008, trong khi tỉ trọng của thịt đỏ giảm từ 74,3% xuống còn 55%.
Các tin khác
- Ai Cập tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô-tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (07/05/2025)
- Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc ĐTADCBPG đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐ ADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (05/05/2025)
- Hàn Quốc ban hành kết luận cuối cùng về ĐTCBPG giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (05/05/2025)