Từ 15-3: Thêm nhiều DN xuất nhập khẩu được ưu tiên hải quan
27/01/2015 12:00
Từ 15-3, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ cần đạt kim ngạch từ 100 triệu đô la Mỹ/năm và đáp ứng các điều kiện về tuân thủ pháp luật là đã có thể trở thành doanh nghiệp ưu tiên khi thực hiện thủ tục hải quan.
Nếu doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thì kim ngạch chỉ cần đạt 40 triệu đô la Mỹ/năm. Nếu thực hiện xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi trồng tại Việt Nam thì con số chỉ là 30 triệu đô la Mỹ/năm.
Với đối tượng là đại lý hải quan thì điều kiện được xét duyệt là doanh nghiệp ưu tiên nếu có số tờ khai trong năm đạt 20.000 tờ khai/năm.
Đây là một trong các điều kiện xét duyệt doanh nghiệp ưu tiên được quy định tại Nghị định08/2015/NĐ-CP ngày 21-1 và bắt đầu có hiệu lực từ 15-3 nhằm hướng dẫn cho Luật Hải quan năm 2014.
Điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ là một trong bốn điều kiện để xét duyệt là doanh nghiệp ưu tiên về hải quan. Các điều kiện còn lại là trong vòng 2 năm không vi phạm pháp luật về hải quan, thuế như buôn lậu, gian lận, trốn thuế…; áp dụng chuẩn mực về kế toán và phải có hệ thống kiểm soát nội bộ cho toàn bộ dây chuyển cung ứng hàng hóa, xuất nhập khẩu.
So với các quy định hiện hành, điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm khá nhiều. Theo quy định đang được áp dụng (theo Thông tư 86/2013/TT-BTC) thì doanh nghiệp muốn được ưu tiên về hải quan phải có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt từ 200 triệu đô la Mỹ/năm trở lên. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và nhập khẩu hàng hóa là nguyên phụ liệu để sản xuất, kim ngạch tối thiểu để được xét công nhận "doanh nghiệp ưu tiên" là 50 triệu đô la Mỹ.
Trước thông tư 86 kể trên, điều kiện về kim ngạch của doanh nghiệp ưu tiên còn cao hơn nữa, phải đạt từ 70 đến 350 triệu đô la Mỹ/năm (tùy đối tượng).
Như vậy, đúng như cam kết, Bộ Tài chính đã dần mở rộng đối tượng doanh nghiệp ưu tiên về hải quan sau 3 năm thí điểm. Đây là đề nghị vốn được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề cập.
Tiến tới, khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết mà Việt Nam là một thành viên thì có thể các doanh nghiệp ưu tiên sẽ được 12 quốc gia thành viên TPP công nhận lẫn nhau.
Nhiều ưu tiên
Khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên về hải quan, các doanh nghiệp được hưởng nhiều chế độ ưu đãi. Cụ thể, doanh nghiệp được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
Thứ hai, doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan và được bổ sung trong vòng 30 ngày sau đó.
Thứ ba, doanh nghiệp được uu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.
Thứ tư, doanh nghiệp được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước.
Thứ năm, trong trường hợp hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra, trừ trường hợp pháp luật kiểm tra chuyên ngành có quy định hàng hóa phải kiểm tra tại cửa khẩu. Trường hợp phải kiểm tra tại cửa khẩu thì được ưu tiên kiểm tra trước.
Nguồn: TBKTSG
Các tin khác
- Tổng thống Trump: Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (05/07/2025)
- Vương quốc Anh thông báo kết luận rà soát biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (04/07/2025)
- Hiểu thế nào về mức thuế đối ứng 20% Mỹ áp cho Việt Nam? (04/07/2025)
- Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới (04/07/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chậm lại, đối mặt nhiều rủi ro từ chính sách thuế của Hoa Kỳ (04/07/2025)