Ứng phó hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại

09/11/2020 12:00 - 185 lượt xem

Cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng nhanh, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng cả về số lượng và quy mô. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Đáng chú ý, trong cả năm 2019 chỉ ghi nhận 16 vụ việc PVTM khởi xướng mới, nhưng chín tháng năm nay đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp hai lần (32 vụ việc). Phần lớn hàng hóa bị điều tra PVTM lại đều là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như kim loại, sợi, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất,... 

Trước tình hình này, Bộ Công thương - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực PVTM đã đẩy mạnh toàn diện công tác hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp PVTM, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong thương mại quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Cụ thể, Bộ đã tập trung cảnh báo sớm, thường xuyên cung cấp, cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ. Khi có vụ việc bị khởi xướng điều tra,  các cơ quan liên quan đã chủ động cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tích cực hướng dẫn, tư vấn các vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; liên tục có ý kiến với cơ quan quản lý, cơ quan điều tra của nước ngoài đề nghị đối xử khách quan với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam;… Nhờ đó, việc kháng kiện, hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài đã thu được nhiều kết quả. Đó là, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65 trong số 151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ,… mặc dù bị áp dụng biện pháp PVTM, nhưng các doanh nghiệp chỉ bị áp ở mức thuế thấp, giúp duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Ca-na-đa,… 

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, việc ứng phó hiệu quả các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu còn đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất việc cạnh tranh bằng giá mà nên cạnh tranh bằng chất lượng. Các doanh nghiệp phải coi PVTM là lẽ đương nhiên, một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của mình; chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM cũng như chuẩn bị đủ nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi sát các thông tin cảnh báo về PVTM trong quá trình xuất khẩu sang các nước; luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và nhất là không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM. Khi có những vụ việc PVTM bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp liên quan cần tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra cũng như phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xử lý vụ việc để được hướng dẫn và hỗ trợ tốt nhất.
 
Quảng cáo sản phẩm