Vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

23/05/2022 05:12 - 68 lượt xem

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – bà Phạm Châu Giang đã có cuộc chia sẻ hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại.

 

Hoa Kỳ hiện là một trong các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của nước ta cũng đối diện với nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – bà Phạm Châu Giang đã có cuộc chia sẻ với Báo Công Thương về vấn đề này.

 

Thưa bà, hiện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ra sao?

 

Tính đến tháng 4/2022, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 43 vụ, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 21 vụ. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản, như: Gỗ, cá tra-basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp, như: Thép, máy cắt cỏ…

 

Thực tiễn này không quá bất ngờ và hoàn toàn có thể dự đoán trước, trong bối cảnh Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ năm 2022, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng là một trong những thành viên WTO tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhất để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

 

Trong năm 2022, khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát, các nước mở cửa trở lại, dự kiến thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, song song với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục phải đối diện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

 

Qua vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá mật ong mới đây, Cục phòng vệ thương mại đánh giá gì về nhận thức và khả năng ứng phó của các doanh nghiệp, thưa bà?

 

Qua thời gian, nhận thức và khả năng ứng phó với các vụ việc của ngành hàng xuất khẩu Việt Nam đã từng bước được cải thiện. Theo đó, về nhận thức, kết quả khảo sát của Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, hiểu biết của doanh nghiệp về các văn bản phòng vệ thương mại đã tăng từ 60,3% năm 2019 lên 71% trong năm 2020. Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng tham gia ứng phó với vụ việc phòng vệ thương mại khi hàng hóa xuất khẩu bị nước ngoài khởi kiện cũng đã tăng lên đáng kể, từ 67,4% năm 2019 lên xấp xỉ 88% năm 2020.

 

Về năng lực ứng phó, ví dụ đối với các mặt hàng nông nghiệp, ngay từ những năm 2002 - 2003, Hoa Kỳ đã điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra-basa và tôm nước ấm của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, ban đầu các doanh nghiệp đều bị áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, cho đến nay, thông qua các đợt rà soát hành chính hàng năm, các doanh nghiệp tham gia rà soát của Việt Nam đều đạt được kết quả tích cực, có những doanh nghiệp được coi là không bán phá giá sang Hoa Kỳ. Với các mặt hàng thường xuyên là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại như: Thép, thủy sản, gỗ... các hiệp hội và doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm chuẩn bị và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ điều tra.

 

Đối với vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá mật ong từ một số nước, trong đó có Việt Nam, mặc dù Bộ Công Thương đưa vào danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế, nhưng đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nuôi ong chủ yếu phát triển từ những cơ sở kinh doanh theo mô hình hộ gia đình, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa được tiếp cận với lĩnh vực phòng vệ thương mại nên còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng xử lý vụ việc. Do đó khó tránh khỏi việc một số doanh nghiệp ban đầu cảm thấy hoang mang, lo lắng.

 

Vậy, xin bà cho biết, tới đây để hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành hàng xuất khẩu bền vững, công tác cảnh báo sớm sẽ được tiếp tục triển khai ra sao?

 

Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.

 

Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ôtô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Có thể nói, thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

 

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; cũng như các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, năm 2021 ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...

 

Thời gian tới, để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; đồng thời, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các giải pháp để khắc phục khó khăn trong công tác cảnh báo sớm. Tuy vậy, một lần nữa, tôi xin lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cần chủ động theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương cập nhật định kỳ để xây dựng kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu phù hợp.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm