Việt Nam – Trung Phi: Nhiều tiềm năng hợp tác
21/05/2009 12:00
Trong buổi tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi ngài François Bozize Yangouvonda chiều nay (19/5), TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị tăng cường hợp tác giữa Phòng Thương mại hai quốc gia nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên được tốt hơn.
Việt Nam – Trung Phi: Nhiều tiềm năng hợp tác
Tại buổi thăm và làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18/5đến 21/5/2009, Tổng thống Bozize Yangouvonda cho biết, tuy nền kinh tế Trung Phi không năng động như Việt Nam nhưng hiện tại quốc gia này đang có nhiều chính sách cởi mở nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay Trung Phi vẫn đang có nhiều tiềm năng tài nguyên hầu như chưa khai thác như các mỏ vàng, mỏ Uranium, kim cương các khu rừng gỗ lớn và tiềm năng nông nghiệp. Sở dĩ có điều này là do địa hình Trung Phi cách xa biển nên việc vận chuyển, đi lại bằng đường biển tương đối khó khăn. Các hoạt động giao thông chủ yếu chỉ dựa vào đường bộ và đường sông. Tiếp lời Tổng thống Bozize Yangouvonda, bà Besatrice Epaye – Bộ Trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Trung Phi cho biết, những cải cách quan trọng của Trung Phi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trải rộng cả trong các lĩnh vực luật pháp, thương mại, sản xuất, nông nghiệp và lâm nghiệp. Hiện tại, Trung Phi đã trao rất nhiều quyền cho Phòng Thương mại, Công nghiệp và Mỏ của đất nước này. Tổ chức này cũng được hoạt động tương đối độc lập do các thành viên trong đó phải thông qua bầu cử. Trung Phi cũng đã tạo ra các khuôn khổ cho lĩnh vực công – tư do chính Thủ tướng chủ trì. Khuông khổ này cho phép giải quyết mọi khó khăn mà lĩnh vực tư nhân gặp phải. Về lĩnh vực cải cách hành chính, Trung Phi đang thực hiện cơ chế hành chính một cửa nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế thời gian, chi phí. Theo cơ chế này, thời hạn tối đa để hoàn thiện một thủ tục là 7 ngày. Về hệ thống pháp luật, ngoài các chính sách, bộ luật nhằm thu hút đầu tư thì Trung Phi cũng có các bộ luật cho ngành mỏ, lâm nghiệp và nông nghiệp mà mục tiêu của các bộ luật này cũng là nhằm thu hút đầu tư. “Chung tôi cũng dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến…” - bà Besatrice Epaye nói – “Chính sách thương mại của Trung Phi được xây dựng phù hợp với chuẩn WTO”.
TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự đánh giá cao với các chính sách của Chính phủ Trung Phi, đặc biệt là những chính sách thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, chính sách pháp luật… Theo TS Vũ Tiến Lộc, có nhiều nước với nền kinh tế phát triển cao hơn cũng không có được cơ chế chính sách cởi mở như Trung Phi. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Do đó, Việt Nam và Trung Phi có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực này để trao đổi kinh nghiệm. Về những lĩnh vực kinh tế mà Tổng thống Bozize Yangouvonda và Bộ trưởng Bộ Công thương Besatrice Epaye vừa trao đổi là những lĩnh vực đầy tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác phát triển. Việt Nam đang có nhiều kinh nghiệm và công nghệ cao trong các vực này. Đồng thời, hiện nay Việt Nam cũng đang có nhiều chính sách nhằm tăng cường thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài. TS Vũ Tiến Lộc nói: “Châu Phi nói chung và Trung Phi nối riêng là điều đầu tư triển vọng của doanh nghiệp Việt Nam”. Đặc biệt là những lĩnh vực chưa được khai thác nhiều như khoáng sản, lâm nghiệp… doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác cùng các doanh nghiệp Trung Phi. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ giới thiệu với các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội hợp tác, đầu tư tại Trung Phi. Riêng với lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu là lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm và công nghệ cao. TS Vũ Tiến Lộc nói: “Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Trung Phi có thể mở rộng ra các thị trường ra các nước ở khu vực trung Phi nói riêng và Châu Phi nói chung.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, điều quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ hai nước cần tăng cường hợp tác nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên. Trong đó, Phòng Thương mại của hai quốc gia phải nắm vai trò chủ đạo để thúc đẩy các doanh nghiệp. VCCI mong muốn sau cuộc gặp gỡ này, Phòng Thương mại hai bên sẽ có các thỏa thuận hợp tác cụ thể, trước mắt là để trao đổi thông tin.
Trung Phi là một trong những nước nghèo ở châu Phi. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Nông nghiệp chiếm hơn 1/2 GDP, gỗ chiếm 16% thu nhập xuất khẩu và công nghiệp kim cương chiếm 40%. Sản phẩm nông nghiệp có: bông, cà phê, sắn, lạc, lúa, ngô, kê... Về khoáng sản ngoài kim cương còn có sắt, măng-gan, ni-ken... nhưng sản lượng thấp. Hạn chế của Trung Phi là nước không tiếp giáp với biển, hệ thống giao thông lạc hậu, lực lượng lao động không có nghề. Thiếu sự chỉ đạo trong phát triển kinh tế vĩ mô. Tình hình bất ổn cản trở kinh tế phát triển. Phân phối thu nhập bất bình đẳng. Mặc dù được Pháp và cộng đồng quốc tế viện trợ nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu trong nước. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Trung Phi bao gồm: kim cương, gỗ, bông, cà phê, thuốc lá. Các nước xuất khẩu chính: Bỉ (30,7%), Tây Ban Nha (10,7%), Indonesia (8%), Pháp (7,8%), Trung Quốc (6,9%), CHDC Công-gô (6%), Thổ Nhĩ Kỳ (5%), Ý (4,7%). Các sản phẩm nhập khẩu chính bao gồm: thực phẩm, hàng dệt may, xăng dầu, máy móc thiết bị, động cơ ôtô, hoá chất, dược phẩm. Các nước nhập khẩu chính : Pháp (15,4%), Hà Lan (15,1%), Mỹ (9,2%), Ca-mơ-run (8,9%).
Hiện nay, Việt Nam và Trung Phi chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2007, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 1,7 triệu USD. Trong đó Việt Nam nhập siêu trên 1 triệu USD và xuất khẩu khoảng 654 ngàn USD. Năm 2008, kim ngạch thương mại 2 nước có sự đột biến khi ta nhập siêu tới 13,6 triệu USD chủ yếu là dầu FO và sắt và xuất khẩu chỉ đạt 910 ngàn USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: hải sản, cà phê, hàng dệt may, rau quả, sản phẩm chất dẻo… và các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: dầu, sắt thép phế liệu, bông, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm hoá chất…
Nguồn: http://www.vcci.com.vn
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)