Việt Nam- Cameroon và CH Trung Phi: Năm lĩnh vực nâng kim ngạch
19/09/2011 12:00
Cameroon và CH Trung Phi có nhiều tiềm năng nhưng làm gì để chuyển cơ hội thành những con số thực chất trong kim ngạch thương mại, đó là nội dung Báo Công Thương trao đổi với ông Trần Quang Huy- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á- vừa trở về sau chuyến XTTM hai nước trên.
Xin ông cho biết những tiềm năng và cơ hội của DN Việt Nam ở hai thị trường này?
- Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, chính trị ổn định và nền kinh tế đang ở giai đoạn sơ khai, Cameroon và CH Trung Phi có nhiều tiềm năng và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khai phá. Lớn nhất là tài nguyên rừng. CH Trung Phi với diện tích là 630 nghìn km2 và Cameroon là 475 nghìn km2 với độ che phủ rừng cao. Trên máy bay nhìn xuống chỉ thấy màu xanh thẫm của rừng. Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý… Do trình độ sản xuất còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng gỗ tròn, với sản lượng trung bình 5 triệu tấn/năm, chủ yếu qua cảng Douala của Cameroon, (CH Trung Phi không có đường biển). Hiện tại, một số DN Việt Nam đang nhập khẩu gỗ từ khu vực này, chủ yếu từ Cameroon.
Thứ hai là khoáng sản, Cameroon và CH Trung Phi có hàng chục loại khoáng sản quý với trữ lượng khá lớn như kim cương, vàng, bôxit… nhưng chưa được phát hiện, thăm dò đầy đủ và khai thác mới ở quy mô nhỏ.
Còn tiềm năng về thủy điện cũng rất đáng quan tâm. Với hệ thống sông ngòi có tiềm năng thủy điện cao chưa được đầu tư khai thác, CH Trung Phi và Cameroon rất mong muốn kêu gọi các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.
Đầu tư nông nghiệp, chế biến nông sản cũng rất có tiềm năng. Đất đai ở CH Trung Phi và Cameroon rất phù hợp với cây công nghiệp như cao su, cà phê, hạt tiêu và lúa. Phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu của hai nước này để xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực.
Cuối cùng là về thương mại, tuy quy mô dân số không lớn, Cameroon có khoảng 20 triệu dân và CH Trung Phi có 5 triệu dân, nhưng do nền sản xuất yếu nên hàng tiêu dùng ở hai nước này hầu hết là nhập khẩu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng…
Tuy nhiên đến nay kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và hai thị trường này còn rất nhỏ?
- Ở đây có cả lý do khách quan và chủ quan. Về khách quan, hai nước này nằm ở khu vực Trung Phi xa về địa lý, giao thông không thuận tiện. Quy mô dân số và sức mua còn nhỏ. Về chủ quan, Việt Nam cũng chưa có nhiều điều kiện để phát triển quan hệ với hai nước. Đoàn do Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang dẫn đầu vừa qua là đoàn cấp bộ đầu tiên của Việt Nam đến CH Trung Phi và Cameroon. Do đó, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có ít thông tin về cơ hội kinh doanh tại hai nước. Điều này thể hiện rõ qua trao đổi thương mại giữa Việt Nam và hai nước này rất thấp. Với CH Trung Phi mới chỉ đạt vài ba triệu USD mỗi năm và với Cameroon, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Phi, cũng mới đạt 90 triệu USD năm 2010. Trong khi, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng và nhập khẩu một số nguyên liệu chiến lược cho sản xuất trong nước.
Cameroon mỗi năm nhập khẩu trên 5 tỷ USD, riêng gạo khoảng 300.000 tấn và xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD các mặt hàng mà chúng ta có nhu cầu lớn như gỗ xẻ, bông… Với CH Trung Phi, do sản xuất chưa phát triển, nên có nhu cầu nhập khẩu nhiều thực phẩm, dệt may, thiết bị điện, xe cộ, hoá chất, dược phẩm, hàng tiêu dùng… Việt Nam thực sự có cơ hội lớn đẩy mạnh xuất khẩu gạo, thực phẩm, hàng dệt may, hàng điện tử, xe đạp, xe máy… sang hai nước này và nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất như gỗ, bông, khoáng sản…
Vậy chuyến đi hai thị trường này của đoàn Bộ Công Thương mới đây đã góp phần cải thiện tình hình đó và mở rộng đường thâm nhập cho DN Việt Nam?
Kết quả lớn nhất của chuyến thăm của đoàn Bộ Công Thương là đã góp phần nâng quan hệ giữa Việt Nam với CH Trung Phi và Cameroon, tạo kết nối chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của bạn. Đoàn nhận được sự đón tiếp rất trọng thị của bạn, tại CH Trung Phi, Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều tiếp đoàn và cam kết mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh.
Tổng thống CH Trung Phi đưa ra ý tưởng hợp tác với Việt Nam xây dựng một khu công nghiệp gần thủ đô Bangui, theo mô hình các khu công nghiệp tại Bình Dương mà ông đã đến nghiên cứu trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009. CH Trung Phi đề nghị các lĩnh vực trọng tâm hợp tác với Việt Nam như chế biến gỗ, khai thác khoáng sản…
Cameroon đề nghị thiết lập kênh xuất nhập khẩu gạo trực tiếp từ Việt Nam, với số lượng 300.000 tấn/năm, đáp ứng cho Cameroon và các thị trường lân cận. Ngoài ra, Cameroon rất quan tâm tới kinh nghiệm trồng lúa, trồng và chế biến cao su, cà phê, chế biến gỗ của Việt Nam và kêu gọi DN Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực này.
Đối với các DN tham gia đoàn, họ nhận diện rõ hơn cơ hội kinh doanh to lớn và đã có trao đổi bước đầu với đối tác để thiết lập quan hệ lâu dài. Một số DN đã tính đến khả năng xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại cả hai nước. Các lĩnh vực khác như chuyển giao công nghệ, viễn thông, chế biến nông sản cũng được các doanh nghiệp hai bên trao đổi cơ hội đầu tư và dự kiến sớm có các dự án cụ thể.
Với tiềm năng của CH Trung Phi và Cameroon, nếu doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực, kim ngạch thương mại Việt Nam với các nước này sẽ có bước đột phá. Trong 2-3 năm tới, xuất nhập khẩu với Cameroon có thể đạt 300 triệu USD và với CH Trung Phi lên 50 triệu USD.
Theo ông, DN cần làm gì để nắm bắt được cơ hội để “lấn sâu” vào thị trường này?
- Điều đầu tiên và quan trọng nhất là các DN cần mạnh dạn, chủ động tiếp cận thị trường. Hiện nay, tâm lý các DN còn e ngại kinh doanh với thị trường châu Phi. Nhưng nếu không sớm tiếp cận, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội thuận lợi.
Bên cạnh đó, các DN cần tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước. Ở các nước này, vai trò của quan chức, cơ quan quản lý rất quan trọng. Nếu có hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, DN sẽ tiếp cận tốt và thuận lợi hơn trong kinh doanh, đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Các tin khác
- Động lực mới cho thị trường ô tô nhập khẩu (05/05/2025)
- EC lùi thời gian thanh tra “thẻ vàng” IUU đến cuối năm (05/05/2025)
- Các công ty Canada chuyển hướng tìm kiếm sang thị trường Việt Nam (05/05/2025)
- Xuất khẩu tôm: Cần xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng (28/04/2025)
- Ứng phó biến động thương mại toàn cầu: Kích cầu tiêu dùng nội địa, đa dạng thị trường xuất khẩu (28/04/2025)