Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong lần đầu tiên sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO

11/10/2011 10:57 - 914 lượt xem

Ngày 11/07 vừa qua, Ban Hội thẩm do cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO thành lập đã công bố tới các nước thành viên WTO bản “Báo cáo” về giải quyết tranh chấp liên quan đến việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 2 và lần thứ 3. Nội dung của bản báo cáo nêu trên đã ghi rõ việc Hoa Kỳ đã thực hiện trái với quy định của WTO trong việc áp dụng phương pháp quy về không trong khi tính biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính lần thứ 2 và 3 và việc áp đặt thuế suất toàn quốc.   

Căn cứ quy định tại Điều 16.1, 16.4 của “Bản ghi nhớ về giải quyết tranh chấp” (DSU), “Báo cáo” nêu trên của Ban hội thẩm có thể được Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) thông qua trong thời hạn từ 20 – 60 ngày kể từ ngày công bố “Báo cáo” tới các nước thành viên WTO trừ khi các Bên tranh chấp thông báo quyết định kháng cáo bản “Báo cáo” này của Ban hội thẩm.

Nếu bản “Báo cáo” nêu trên được DSB thông qua, các bên sẽ có nghĩa vụ thực thi báo cáo này. Bên vi phạm quy định của WTO sẽ phải khắc phục những sai phạm trong một khoảng thời gian hợp lý. Theo điều 21 của DSU, khoảng thời gian này được xác định bởi một trong các cách sau: (i) do thành viên liên quan đề xuất và DSB đồng thuận, (ii) được các bên tranh chấp thỏa thuận trong vòng 45 ngày sau khi báo cáo được thông qua, (iii) được xác định bởi trọng tài theo điều 21(3)(c).

Như vậy chúng ta tin chắc rằng, sau khi Hoa Kỳ khắc phục sai phạm, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế hợp lý hơn trong giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 2 và lần thứ 3. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ấm đông lạnh sang Hoa Kỳ bớt khó khăn hơn.

Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh

Quảng cáo sản phẩm