Việt Nam kêu gọi G20 xóa bỏ rào cản thương mại
29/06/2010 12:00
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đối phó suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ
Trong các ngày 26-27/6, theo lời mời của Thủ tướng Canada Stephen Harper, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự với tư cách Chủ tịch ASEAN và phát biểu tại các phiên thảo luận.
Hội nghị lần này có sự tham dự của nguyên thủ các nước khách mời là Hà Lan, Tây Ban Nha, Ethiopia, Malawi (tham dự với tư cách Chủ tịch Liên minh châu Phi - AU) và Việt Nam. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cũng có mặt.
Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra 6 phiên họp và thảo luận về các nội dung: Đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế thế giới; Triển khai Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ - bền vững và cân bằng; Cải cách các quy định tài chính; Cải cách các thể chế tài chính quốc tế; Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tự do hóa thương mại; Chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao G20 Seoul vào tháng 11/2010.
Phát biểu tại phiên làm việc về chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam và ASEAN quan ngại trước tiến triển chậm chạp của Vòng đàm phán Doha và kêu gọi G20 đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoàn tất vòng đàm phán này trong thời gian sớm nhất.
Hoan nghênh G20 có thái độ phản đối chủ nghĩa bảo hộ, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ đối phó với suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng các biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ. ASEAN ủng hộ mạnh mẽ việc G20 đưa vào chương trình nghị sự các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm thúc đẩy quan hệ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giảm chi phí giao dịch và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển.
Tại phiên làm việc về triển vọng và thách thức với kinh tế thế giới, Thủ tướng cũng có bài phát biểu đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên G20 trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu trong thời gian qua. Các nền kinh tế châu Á, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, đã đóng góp tới 75% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2009.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do sự phục hồi chưa đồng đều và rộng khắp. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa được giải quyết triệt để và không loại trừ khả năng sẽ làm bùng phát thêm những cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc gia và quốc tế, ở các nước phát triển cũng như đang phát triển. Vì vậy, thay mặt các nước các nước ASEAN, Thủ tướng cho rằng các biện pháp chính sách của G20 cần hướng tới mục tiêu bảo đảm kinh tế thế giới phục hồi bền vững và tăng trưởng cân bằng, đều khắp.
Phát biểu về chủ đề “Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ - bền vững và cân bằng”, Thủ tướng khẳng định các nước ASEAN đánh giá cao ý nghĩa và sự cần thiết của việc triển khai Khuôn khổ nhằm thúc đẩy sự phục hồi bền vững của kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo Khuôn khổ được triển khai có hiệu quả và không gây ra những tác động tiêu cực với các nước ngoài G20, đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển.
Thủ tướng đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G20 và ASEAN, coi đây là hình mẫu thử nghiệm để các nhóm nước ngoài G20 tăng cường sự tương tác và phối hợp chính sách với G20.
Thảo luận về phiên cải cách các thể chế tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam cũng như ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến và nỗ lực cải cách các thể chế tài chính quốc tế trong thời gian qua nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Để tăng cường hơn nữa vai trò của các thể chế tài chính quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các thể chế tài chính khu vực tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp và tiếp xúc với trưởng đoàn các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Indonesia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy, Ảrập Xêút, Ethiopia, Malawi, Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch WB, Tổng Giám đốc WTO... trao đổi về quan hệ song phương và nội dung của Hội nghị Cấp cao G20.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có các cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Việt tại Canada, đồng thời tiếp xúc với một số doanh nghiệp lớn của Canada quan tâm kinh doanh đầu tư tại Việt Nam...
Sáng 28/6 (giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh G20 đã bế mạc tại thành phố Toronto, Canada với việc thông qua tuyên bố chung của các lãnh đạo.
Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí cần thực hiện những bước tiếp theo nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, khôi phục việc làm, cải cách và tăng cường các hệ thống tài chính và tạo sự tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. G20 cho rằng mặc dù tăng trưởng đã trở lại, nhưng sự phục hồi diễn ra không đồng đều và không chắc chắn, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước vẫn cao quá mức cho phép và tác động xã hội của cuộc khủng hoảng vẫn còn tồn tại nhiều nơi. Do đó, ưu tiên cao nhất hiện nay vẫn là tăng cường sự phục hồi của nền kinh tế và các nước cần hoàn tất những kế hoạch kích thích kinh tế hiện hữu, cùng với việc tạo điều kiện đẩy mạnh sức cầu tư nhân.
Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị đã khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác để thúc đẩy sự phục hồi bền vững của kinh tế toàn cầu đi đôi với giải quyết các thách thức mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt như thâm hụt tài khóa, nợ công, thất nghiệp…
Những diễn tiến gần đây đã nêu bật tầm quan trọng của hoạt động tài chính công bền vững, buộc các nước đưa ra kế hoạch thực hiện ổn định ngân sách một cách đáng tin cậy, theo từng giai đoạn hợp lý và có lợi cho tăng trưởng, có xét đến sự khác biệt và phải phù hợp với hoàn cảnh quốc gia...
Việc hoàn tất những cải cách đối với các tổ chức tài chính quốc tế cũng là một nhu cầu cấp bách khác.
Tuyên bố của các lãnh đạo G20 nêu rõ giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; cải cách các lĩnh vực tài chính; các tổ chức tài chính quốc tế và phát triển; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư. Trong đó ưu tiên cao nhất của G-20 là bảo vệ và tăng cường sự phục hồi, đặt nền móng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, đồng thời củng cố các hệ thống tài chính chống lại rủi ro.
Nguồn: http://vietbao.vn
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)