Vòng đàm phán Đôha đang lâm vào “ngõ cụt”

10/06/2010 12:00 - 726 lượt xem

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) Pascal Lamy cuối tuần qua nói rằng, Vòng đàm phán Đôha về tự do thương mại toàn cầu đang lâm vào ”ngõ cụt”.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Washington đã kêu gọi Braxin và Trung Quốc có những bước đi đột phá hơn nhằm khai thông cho tiến trình đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu này. Mặc dù các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, dự kiến diễn ra trong tháng 11/2010, đồng nghĩa với việc mục tiêu này sẽ khó có thể đạt được vào trước năm tới.

Biết rằng, nước Mỹ, về cơ bản vẫn là chìa khóa cho bất kỳ hiệp định toàn cầu nào, nói rằng những gì đang được đặt trên bàn đàm phán sau 8 năm dài thương lượng trong khuôn khổ vòng đàm phán Đôha đơn giản chỉ là chưa đủ sức thuyết phục để giành được sự ủng hộ ở dư luận trong nước.. Các nước đang nổi thì lập luận họ đã nhân nhượng đủ mức trong bản dự thảo hiện nay của cái sẽ trở thành một hiệp định thúc đẩy phát triển, cho nên chắc chắn sẽ xẩy ra sự đối đầu nghiêm trọng, trong đó Washington cũng sẽ phải chịu áp lực đưa ra một số sự nhượng bộ.

Tuy nhiên, các nước thành viên WTO đã nhất trí cần phải đẩy mạnh các cuộc đàm phán đầy khó khăn và đã kéo dài nhiều năm này để tiến tới việc ký kết thương mại toàn cầu một cách sớm nhất...

Hệ thống hoạt động dựa trên sự đồng tâm nhất trí của WTO yêu cầu các cuộc đàm phán được tiến hành một cách thận trọng, với các đề xuất phải được chia sẻ giữa các nhóm nước thành viên để đảm bảo rằng không nước nào trong tổng số 153 thành viên cảm thấy bị loại ra khỏi việc đưa ra các quyết định. Trong khi, đại diên thương mại Mỹ Ron Kirk, cho rằng đã đến lúc phải tiến hành “các cuộc đàm phán thẳng thắn, cởi mở và khó khăn, hơn là chỉ thực hành những bài tập về sự minh bạch”.

Phát biểu trên của ông Kirk được đưa ra sau khi cuộc họp cấp bộ trưởng WTO kết thúc ở Pari ngày 27/5 để dánh giá về tình hình vòng đàm phán Đôha, với sự nhất trí rằng việc theo đuổi các cuộc đàm phán dưới bất cứ hình thức nào là cần thiết để đạt được mục tiêu ký kết thỏa thuận thương mại toàn cầu. Ông Kirk đặc biệt mong muốn Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin, với tư cách là những nước được hưởng lợi lớn từ quá trình toàn cầu hóa đồng thời là nguồn tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế thế giới, hãy đóng góp nhiều hơn vào tiến trình thương lượng thỏa thuận này. Các nhà thương thuyết của Mỹ còn phàn nàn rằng các nước đàm phán cho đến nay đang tập trung quá nhiều vào hàng nông sản và chế tạo, mà không có nhiều tiến triển trong các lĩnh vực dịch vụ, như bảo hiểm và chuyển phát nhanh.

Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin đáp trả rằng với hàng trăm triệu dân vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo đói, họ không thể từ bỏ tất cả chỉ để đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán Đôha, vốn được mở ra từ năm 2001 nhằm loại bỏ một số mất cân bằng trong hệ thống thương mại toàn cầu và giúp các nước nghèo được lợi từ hoạt động thương mại. Trên thực tế, điều đó có ý nghĩa là Mỹ, nước cho rằng họ đã đưa ra những đề nghị hào phóng về việc cắt giảm trợ cấp nông nghiệp vốn làm bóp méo thương mại, cũng cần phải làm nhiều hơn nữa. Một quan chức cao cấp gần gũi với các cuộc đàm phán nói rằng: “Tôi không cho rằng hiện nay nước Mỹ đã nhận thức được đầy đủ và cũng rất rõ ràng rằng nếu họ muốn thúc đẩy bất cứ sự mở cửa hơn nữa các thị trường mà họ cần, họ cũng sẽ phải thiện chí trong một số lĩnh vực khác”. Theo quan chức này, hiện nay có sự công nhận rộng rãi rằng một thỏa thuận như vậy cũng đòi hỏi các nước đang nổi  phải đưa ra thêm những nhượng bộ. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama có thực sự muốn đạt được một thỏa thuận trước khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra. Quan chức trên nói: “Có lẽ họ muốn làm điều đó vào năm tới, hơn là ngay trong năm nay”. Tuy nhiên, điều đó sẽ làm nhụt chí những đối tác thương mại của Mỹ trong việc đưa ra những nhượng bộ ngay lúc này, vì lo sợ rằng họ sẽ phải đối mặt với những yêu sách mới vào năm 2011.

Ngay cả những người đề xướng mạnh mẽ nhất về việc ký kết hiệp định thương mại Đôha hiện cũng thừa nhận rằng các cuộc đàm phán đang rơi vào bế tắc, bất chấp những tuyên bố rằng thỏa thuận này chính là điều mà nền kinh tế toàn cầu đang cần. Chỉ có 21 nước thành viên WTO tham dự cuộc họp ở Pari, và trong đó chỉ có 9 quan chức ở cấp bộ trưởng, ít hơn rất nhiều so với các cuộc họp tương tự diễn ra vào những năm trước, và là một dấu hiệu cho thấy sự kỳ vọng về một hiệp định thương mại toàn cầu hiện nay là rất thấp. Những người đề xướng hiệp định Đôha lập luận rằng tác động tích cực mà thỏa thuận mang lại cho lòng tin kinh doanh bằng cách mở ra các cơ hội buôn bán mới trong mọi lĩnh vực, từ ngô cho tới hóa chất, sẽ là một sự kích thích đáng hoan nghênh đối với nền kinh tế thế giới vốn đang trong quá trình phục hồi, và là một thỏa thuận không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách không bi căng kéo.

Trong khi đó, Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk cho rằng dự thảo thỏa thuận hiện nay về mở cửa thương mại  toàn cầu trong khuôn khổ Vòng đàm phán Đôha là không phù hợp. Braxin,Trung quốc và Ấn Độ cần phải đóng góp nhiều hơn cho tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Theo ông Kirk, không phải chỉ có Mỹ hối thúc các nền kinh tế đang nổi lớn, mà các nước giàu khác, thậm chí cả một số nước đang phát triển, cũng muốn có một hiệp định “tham vọng” hơn.
                                                                                                                         
Mặc dù còn có nhiều bất đồng, cuộc hội đàm giữa các bộ trưởng thương mại một số nước thành viên chủ chốt của WTO tại Pari vừa qua, vẫn có quyết định phải nỗ lực gấp đôi nhằm tiến tới thỏa thuận cho vòng đàm phán Đôha đã bị trì hoãn nhiều năm, đồng thời cho rằng mở cửa thương mại toàn cầu sẽ thúc đẩy kinh tế thế giới. Còn Tổng giám đốc, ông Pascal Lamy nhận định việc đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi “ngõ cụt” do ba bất đồng chính về dịch vụ; ngư nghiệp; và buôn bán hàng hóa vì môi trường. Ông nhận định có lý do quan trọng hơn bao giờ hết để kết thúc vòng đàm phán Đôha, vì tự do hóa thương mại toàn cầu là gói kích thích kinh tế với chi phí thấp nhất để thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng nợ hiện nay.  

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm