Vòng đàm phán Doha sụp đổ

04/08/2008 12:00 - 1472 lượt xem

Sau gần 7 năm tồn tại lây lất, vòng đàm phán thương mại Doha cuối cùng đã kết thúc thất bại hoàn toàn.

Công Thương - Những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn vòng đàm phán Doha đã trở thành công cốc vào tối hôm 29.7, sau khi Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ không thỏa thuận được các biện pháp bảo vệ nông dân nghèo.

 

Sau 9 ngày đàm phán căng thẳng, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy buộc phải thừa nhận rằng bất đồng giữa 3 nước trên quá lớn nên không thể đi đến thỏa thuận, theo hãng tin Reuters. Trước đó, quan chức dự hội nghị tỏ ra hết sức lạc quan vào cuối tuần qua, như Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab thừa nhận hôm 29.7 rằng: "Chúng tôi đã tiến gần đến thỏa thuận vào tối  25.7". Khi đó, Mỹ đã đề nghị mức trợ cấp nông nghiệp thấp hơn, ở mức 14,5 tỉ USD thay vì 15 tỉ USD như từng đề nghị. Tuy nhiên, sự lạc quan này nhanh chóng "bốc hơi" khi các thành viên quan trọng công khai chỉ trích nhau gay gắt. Ấn Độ và Trung Quốc đưa ra "cơ chế bảo hộ đặc biệt", cho phép họ tăng nhanh chóng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là gạo, đường và bông, nếu mức nhập khẩu các loại hàng hóa đó tăng 40%. Yêu cầu này lập tức vấp phải sự phản đối của các nước xuất khẩu lương thực, vốn cho rằng 2 nước trên đã vi phạm tinh thần của vòng đàm phán Doha là cho phép các nước nghèo phát triển kinh tế bằng cách xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

 

Thất bại của vòng đàm phán Doha sẽ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các nước nhỏ, vốn trông chờ vào một thỏa thuận có thể làm lợi cho nền kinh tế thế giới khoảng 130 tỉ USD/năm. Hãng tin AFP dẫn lời ông Eduardo Ermita, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Philippines, rằng các quốc gia như Philippines đã phải chịu thiệt hại trong cuộc chiến của những cường quốc kinh tế. "Đó là trận đấu để xác định Mỹ muốn điều gì, Trung Quốc muốn gì và Mỹ đòi hỏi gì ở các nước lớn, và điều này gây khó khăn cho những nước nhỏ như chúng tôi," ông Ermita nói. Không chỉ có nước nhỏ mới bị thiệt hại, những nước có nền kinh tế phát triển hơn như Úc cũng dự đoán thất bại của Doha sẽ gây thiệt hại khoảng 6,6 tỉ USD/năm cho nước này. Mức thiệt hại mà phía Ireland đưa ra là 6,2 tỉ USD/năm.

 

Hãng tin BBC dẫn nhận xét của giới phân tích kinh tế cho rằng sự sụp đổ của vòng đàm phán Doha không những đẩy thế giới vào tình trạng phân cực mạnh mẽ hơn, mà còn gióng lên hồi chuông báo động thời đại của thỏa thuận thương mại đa chiều có thể sẽ chấm dứt. Thất bại này đã làm lung lay sự tín nhiệm của thế giới đối với WTO, tổ chức chuyên thiết lập và thúc đẩy luật lệ thương mại quốc tế.

 

Tất nhiên, sự cố Doha không có nghĩa là hồi kết của thương mại thế giới, nhưng nhiều nước sẽ chọn cách đàm phán song phương thay vì nhờ cậy đến WTO. Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab cho rằng sau sự kiện Doha, các nước có thể sẽ theo đuổi những thỏa thuận song phương với các nước đối tác. Họ sẽ tập trung vào lợi ích bản thân thay vì bàn bạc vì một mục đích chung, có tầm rộng lớn hơn như thay đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực.

 

31/07/2008

 

Nguồn: Báo Thương mại

Quảng cáo sản phẩm