Vượt ải phòng vệ thương mại: Thấy gì từ thắng lợi của "Vua tôm" Minh Phú?

22/02/2021 12:00 - 129 lượt xem

Đây không phải lần đầu "Vua tôm" Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Thủy sản Minh Phú thắng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá vào Mỹ.

Đây cũng không phải lần đầu tiên ngành tôm, thủy sản thắng chiến thắng trong hành trình vượt ải phòng vệ thương mại. Lần vượt ải đầu sau nhiều năm dài chịu thuế chống bán phá giá, nhằm tìm kiếm phán quyết có lợi cho ngành tôm Việt trong cột mốc lịch sử đáng nhớ của chính ngành này, trước hết phải kể đến vụ Việt Nam kiện Mỹ về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá với tôm đông lạnh Việt Nam. Đơn kiện bắt đầu được WTO xem xét vào 2009. Mãi 2 năm sau WTO mới ra phán quyết bước đầu theo hướng có lợi cho tôm Việt.

Vụ kiện thắng quyết định áp thuế chống bán phá giá hơn chục năm về trước ấy, đã mở ra sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong hoạt động thương mại quốc tế.

Kể từ đó đến nay, tôm và các mặt hàng khác của ngành thủy hải sản như cá da trơn (tra, saba)… cũng thường vướng phải những vụ điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá hoặc bị quy kết có hành vi bán phá giá ở từng mặt hàng, trường hợp, thời điểm khác nhau… Các hàng rào phòng vệ thương mại của các quốc gia nhập khẩu – đặc biệt ở những thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn – đã và vẫn thường xuyên được giăng ra.

Vẫn với ngành thủy sản, những cuộc đối đầu trước ải phòng vệ thương mại của các quốc gia nhập khẩu khó tính, có lẽ không còn là thách thức  đầy chông gai như thuở đầu "non nớt" ra biển, dù vẫn không hề dễ dàng để chứng minh và đi đến chiến thắng. Tuy nhiên, VASEP, hay với từng doanh nghiệp đầu ngành như Minh Phú (vua Tôm Lê Văn Quang), Vĩnh Hoàn (nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh)…đều đã thấm và có rất nhiều kinh nghiệm "bơi thuyền ra biển". Và các hàng rào thuế này, mặt khác khi đụng phải hoặc được tư vấn pháp lý, cũng là một phần nguyên nhân mang đến nhiều hơn động lực cho các doanh nghiệp lớn trong ngành này ý thức về sự chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng mọi tiêu chuẩn, quy định, để vượt qua mọi ải phòng vệ thương mại quốc tế trong toàn bộ khâu sản xuất đến chế biến, cung ứng. Chẳng hạn như với vua Tôm Minh Phú, sở dĩ họ "thoát án" điều tra áp thuế, là bởi họ đã có trình hồ sơ đầy đủ cứ liệu chứng minh các cáo buộc là vô căn cứ, với việc chuẩn bị vùng nguyên liệu trong chuỗi sản xuất khép kín và từ đó không còn phụ thuộc nhập tôm nguyên liệu Ấn Độ để xuất vào Mỹ.

Thắng lợi mới nhất của Thủy sản Minh Phú khi Mỹ quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào nước sở tại trên cơ sở điều tra từ 2019-nay, theo đó, không chỉ tin vui của riêng Minh Phú khi doanh nghiệp sẽ vừa được nhận hoàn tiền ký quỹ đã nộp trước đó, vừa rộng đường xuất khẩu với phí thuế thuận lợi; mà còn là niềm vui với các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ quốc gia đã có xu hướng trở lại những năm gần đây. Đặc biệt, càng khó khăn vì dịch bệnh, các nước nhập khẩu càng dựng lên nhiều hơn các hàng rào khó vượt.

Theo một chuyên gia, thắng lợi này còn có ý nghĩa “gợi ý” cho các ngành khác vẫn đang phải luôn thận trọng trước “bẫy” thuế chống bán phá giá như cao su, thép.v.v  “Còn nhớ năm 2018, Việt Nam cũng đã thắng lợi trong vụ kiện chống bán phá giá ở Úc. Mới đây, thép Việt Nam lại bị Malaysia áp thuế chống bán phá giá cho những sản phẩm cụ thể. Hoặc 2019, chịu hệ quả của thương chiến Mỹ-Trung, một số sản phẩm thép Việt còn bị áp thuế vào Mỹ tới 452,6%...Hay ngay trong tuần này, tôn Việt Nam cũng vừa nhận thông tin chịu áp thuế chống bán phá của Indonesia… Vậy chúng ta lựa chọn giải pháp nào để đối thoại, ứng xử? Sẵn sàng với các hồ sơ chứng minh đầy đủ, phát huy bản lĩnh, năng lực sử dụng pháp lý và hệ thống pháp luật quốc tế để đối thoại với các quốc gia trong những vụ áp thuế bất hợp lý là cần thiết hay là “cắn răng chịu thuế? Và sâu xa hơn là chuẩn bị các cơ sở để đáp ứng mọi quy định về hàm lượng xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn sản phẩm.v.v để không  tạo nguyên cớ cho các nguy cơ điều tra áp thuế?", chuyên gia đặt câu hỏi.

Ở tầm cấp quốc gia, năm 2020, Việt Nam cũng bị Mỹ gọi tên trong danh sách các nước có “thao túng tiền tệ”.  Rất may là trong quá trình điều tra, hợp tác với Mỹ, Việt Nam đã chủ động đối thoại minh bạch, có lý lẽ và uyển chuyển nhằm chứng minh quy kết này chưa phù hợp, không đúng với thực tế của Việt Nam. Những đối thoại và sẵn sàng cho các “điều trần” tầm cấp quốc gia như vậy, ngay lúc này, được giới chuyên môn dự báo có thể càng cần được các nhà quản lý quan tâm, thận trọng và đặt sẵn kịch bản ứng phó cho mọi tình huống bất ngờ. Đó cũng là điều cần thiết để có nhiều hơn những "thắng lợi" khẳng định vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế, cũng như góp sức cho sự tự tin và nhiều hơn những doanh nghiệp thành công khi vượt ải phòng vệ. Qua đó bảo vệ được doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trên hải trình thương mại toàn cầu. 
Quảng cáo sản phẩm