Xây dựng thương hiệu cho dệt may Việt Nam

29/09/2023 05:03 - 26 lượt xem

Doanh nghiệp dệt may mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Chiết Giang trong đó có Hàng Châu để xây dựng thương hiệu riêng cho dệt may Việt Nam.

 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ với DĐDN tại Triển lãm Thương mại quốc tế Chiết Giang 2023 và Hội chợ hàng hóa xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 11, diễn ra từ ngày 28-30/9 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hà Nội.

 

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường Trung Quốc nói chung, thị trường Chiết Giang nói riêng đối với ngành dệt may Việt Nam?

 

Thị trường Trung Quốc nói chung, thị trường Chiết Giang nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam. Vì đây là nơi cung cấp nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

 

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 50% số lượng vải sử dụng, với các nguyên phụ liệu khác như sợi cũng nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc.

 

Tôi hy vọng với tín hiệu thuận lợi khi Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc; chúng ta sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Trung Quốc vào ngành dệt may tại Việt Nam mà không phải nhập khẩu. Bởi nếu chủ yếu nhập khẩu từ thị trường này thì lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ không còn nhiều.

 

- Theo dự báo, 4 tháng cuối năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với nhiều loại hàng hóa sẽ được cải thiện. Vậy, ngành dệt may sẽ chủ động đón bắt cơ hội này như thế nào, thưa ông?

 

Tình hình dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam cho đến thời điểm này còn khá khó khăn. Tính đến hết 8 tháng năm  2023, kim ngạch xuất khẩu giảm 15%, 4 tháng cuối năm có thể tốt hơn, nhưng theo dự báo của ngành dệt may Việt Nam, năm 2023 chỉ đạt hơn 41 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022.

 

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu hàng may mặc cũng không nhiều, chỉ trên 1 tỷ USD. Cho nên, việc xuất khẩu hàng may mặc còn khá khiêm tốn. Chỉ có sợi xuất khẩu sang Trung Quốc là có quy mô lớn, tuy nhiên từ năm 2022 và 2023 kim ngạch xuất khẩu của sợi vào thị trường này cũng đã giảm nhiều.

 

- Đây cũng là một thị trường được đánh giá rất có tiềm năng, vậy ngành dệt may Việt Nam sẽ có chiến lược như thế nào để 'đi tắt đón đầu" thị trường lớn này, thưa ông?

 

Trung Quốc là một thị trường rất có tiềm năng đối với ngành dệt may Việt Nam. Bởi, dệt may Trung Quốc dần chuyển dịch sang các nước khác với nhiều nguyên nhân.

 

Một là, thu nhập của người Trung Quốc hiện nay cũng khá cao, cho nên ngành dệt may phù hợp với những nước có thu nhập ở mức vừa phải như Việt Nam. Do đó, họ sẽ phải chuyển dần các khâu, công đoạn thu hút nhiều lao động sang các nước khác. Đây có thể được coi là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam.

 

Hai là, ngành dệt may Trung Quốc trong tương lai sẽ hướng đến công nghệ cao cho nên cũng sẽ giảm dần sản xuất trong chính nước họ, và có nhu cầu nhập khẩu từ các nước bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Trung Quốc.

 

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Quảng cáo sản phẩm