Xây dựng thương hiệu cho Điều: Giải pháp nào tốt nhất?
04/11/2009 12:00
Những năm qua ngành điều phát triển nóng, thiếu bền vững và hiện đang gặp phải khó khăn thách thức và điều đó về lâu dài sẽ làm suy giảm sản xuất và xuất khẩu.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có sản lượng điều lớn nhất thế giới và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Đây là kết quả thu được từ thành tích kỳ diệu mà ngành điều đã đạt chỉ có trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành điều giai đoạn 2000 – 2010.
Trước năm 2000, từ chỗ chỉ có vài chục ngàn ha với sản lượng mấy chục ngàn tấn, xuất khẩu nhỏ lẻ thì đến năm 2005 cả nước đã có trên 400.000 ha trồng điều, tập trung ở các vùng đồng bằng Nam Bộ, duyên hải nam Trung Bộ và Nam Bộ, Tây Nguyên;.
Về công nghiệp chế biến, ngành điều cũng đạt tốc độ phát triển mạnh mẽ, hiện cả nước có trên 200 nhà máy tham gia chế biến điều xuất khẩu, năng lực chế biến hiện ở mức 600.000 tấn/năm (năm 1990 mới chỉ có khoảng 20 DN chế biến).
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì trong những năm qua ngành điều đang phát triển nóng, thiếu bền vững và hiện đang gặp phải khó khăn thách thức và điều đó về lâu dài sẽ làm suy giảm sản xuất và xuất khẩu.
Với sự cạnh tranh gay gắt của một số cây công nghiệp khác như cao su, cà phê… cây điều hiện nay chẳng những khó duy trì được diện tích, gia tăng chất lượng mà đang đứng trước nguy cơ diện tích bị thu hẹp nghiêm trọng đặc biệt tại những vùng được coi là “thủ phủ” cây điều. Sản lượng điều thô trong nước hiện không đủ phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năng suất cây điều liên tục sụt giảm do giá vật tư tăng cao, người trồng điều bị lỗ vốn nên ít có khả năng đầu tư và nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ bê chăm sóc.
Năng suất thấp cùng giá hạt điều thô rất thấp trên thị trường thế giới tiếp tục gây khó khăn cho người trồng điều. Hiện nay, thương lái thu mua tại vườn chỉ với giá 6.800 -7.000đ/kg, giảm 3.000 -5.000 đ/kg so với thời điểm đầu năm 2009 khiến nông dân lỗ nặng. Vì vậy, ở một số nơi người nông dân ồ ạt chặt bỏ cây điều để trồng cây khác.
Nông dân không thể tiếp cận để bán điều trực tiếp cho nhà máy. Mức giá mua từ thương lái cao hơn giá điều thô một số nước trên thế giới nên nhiều doanh nghiệp đã quay sang nhập khẩu điều thô thay vì hợp tác lâu dài với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Để giải quyết tận gốc thực trạng này, Hiệp hội Điều Việt Nam đã đề xuất Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng năm từ 50 -60 tỷ đồng cho các nhiệm vụ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho 3 trung tâm nghiên cứu ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, tiến tới thành lập Viện Nghiên cứu cây điều Việt Nam...
Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải thiện đời sống người lao động, đầu tư cải tiến, lắp đạt mới dây chuyền, công nghệ chế biến, tập trung đầu tư nhà máy về những địa phương còn lực lượng lao động nông nhàn. Đồng thời, đề nghị nhà nước có chính sách quan tâm đầu tư vào công tác đào tạo công nhân, nông dân tạo nguồn nhân lực có tay nghề chuyên môn cao cho ngành điều, giúp ổn định lực lượng lao động ngành điều và ngành điều phát triển bền vững.
Về sản xuất cần tăng diện sản phẩm gía trị gia tăng cao để xuất khẩu vì chi phí đầu tư nhà xưởng, thiết bị phục vụ chế biến những sản phẩm này khá lớn. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng mẫu mã bao bì sản phẩm thì yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm này cũng rất cao. Ngoài ra, cần tăng cường quảng bá sản phẩm, tăng sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm ở nước ngoài. Từ đó, việc tạo dựng thương hiệu mạnh cho điều Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ hiệu quả hơn.
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)