Xuất khẩu 2009: Dự báo 56,7 tỷ USD vẫn còn lạc quan?

02/10/2009 12:00 - 769 lượt xem

Tại hội nghị giao ban Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa diễn ra đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh tỏ ra khá bất ngờ trước con số 56,7 tỷ USD được một đại diện của Bộ Công Thương công bố.

“Mỗi tuần dự báo một con số, mới đây là 59 tỷ USD, giờ đã là 56,7 tỷ USD. Đề nghị Bộ Công Thương nên có dự báo xa hơn về triển vọng xuất khẩu năm nay”, ông Sinh lên tiếng.

Có thể câu nói này của Thứ trưởng Sinh không hàm ý dự báo mới nhất của Bộ Công Thương vẫn chưa sát thực tế, nhưng theo một số ý kiến đưa ra tại hội thảo thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2009, được tổ chức sáng 30/9 tại Hà Nội, tổng kim ngạch xuất khẩu được dự báo đạt 56,7 tỷ USD vẫn còn “tươi”, và mới chỉ là hy vọng chứ chưa thể khẳng định chắc chắn.

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Thị trường Giá cả Vũ Đình Ánh cho biết, những tính toán của ông cho kết quả tương tự dự báo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 có thể sẽ giảm khoảng 10%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mấy tháng gần đây chỉ khoảng 4,5-4,8 tỷ USD. Để đạt mức như dự báo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi tháng của quý 4/2009 phải đạt khoảng 5 tỷ USD.

Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả Phạm Minh Thủy nhận xét, đây là mốc khá cao so với tình hình gần đây (kim ngạch xuất khẩu thực hiện tháng 8/2009 chỉ đạt 4,523 tỷ USD).

Từ kinh nghiệm lâu năm tham gia dự báo kim ngạch xuất khẩu, bà Thủy cho rằng vẫn có thể chờ đợi và hy vọng kết quả sẽ được như con số dự báo. Bởi vì theo bà Thủy, quy luật nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu thường tăng vào những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, phân tích cụ thể đối với ngành dệt may, sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 17%), PGS.TS Nguyễn  Văn Cao  từ Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể giảm tới 12% trong tháng 9/2009, so với tháng 8/2009.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Cao, kết quả tính toán này cũng thể hiện đúng theo quy luật diễn biến xuất khẩu mặt hàng này hàng năm, tức là giảm vào tháng 8 và 9.

Xu hướng này không chỉ thể hiện ở một mặt hàng. Đối với dầu thô, giá xuất khẩu hiện nay không thuận lợi cho việc đẩy mạnh xuất khẩu. Hơn nữa, trong tháng 10/2009, dự kiến nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ đi vào hoạt động và san sẻ một phần lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Khoa học Tài chính Nguyễn Ngọc Tuyến nhận xét.

Còn trong bài phát biểu của mình, diễn giả Phạm Minh Thụy, một đồng nghiệp của ông Ánh tại Viện nghiên cứu khoa học Thị trường Giá cả, cũng đồng quan điểm trên. Vị này nhận định rằng, sản lượng khai thác, xuất khẩu than đá của Việt Nam thời gian gần đây có xu hướng giảm, rõ nhất là từ tháng 5/2009, do sự điều tiết của Nhà nước.

“Với xu hướng này, kim ngạch xuất khẩu than đá của Việt Nam thời gian tới sẽ giảm rất mạnh và qua đó sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước”, bản tham luận "chốt" lại.

Phó viện trưởng Tuyến cũng đồng quan điểm trên. Ông phân tích rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có đóng góp tới 40% từ nông sản và khoáng sản và đây là những mặt hàng khó có thể tăng trưởng liên tục về lượng xuất khẩu trong thời gian dài.

Với than đá, ông Tuyến mượn một khuyến cáo gần đây cho rằng, nếu xuất khẩu 1 tấn than vào thời điểm hiện nay, Việt Nam chỉ có thể mua được 0,2 tấn vào năm 2012, thời điểm được tính toán rằng Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu sản phẩm này. “Vậy có nên xuất khẩu nữa hay không?”, Phó viện trưởng Viện Khoa học Tài chính đặt vấn đề.

Đối với xuất khẩu sản phẩm nông sản vốn ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới, ông Tuyến cho rằng khó có thể hy vọng mặt hàng này sẽ có đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng ổn định của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Phân tích một loạt các sản phẩm có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam như dầu thô, than đá, khoáng sản… ông Tuyến cho rằng: “Nếu tiếp tục dựa vào những mặt hàng này thì triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phải xem xét lại”.
 
Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam
Quảng cáo sản phẩm