Xuất khẩu cá da trơn hướng tới mục tiêu 1 tỉ USD

06/08/2007 08:17 - 1395 lượt xem

Mục tiêu đề ra đối với xuất khẩu cá da trơn trong năm 2007 là đạt 1 tỉ USD. Mục tiêu này có khả thi trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, nguyên liệu liên tục thiếu, trong khi năng lực chế biến của các nhà máy vẫn còn thừa? Làm gì để doanh nghiệp không lãng phí công suất, ngư dân không bị thiệt do những tác động của sản xuất manh mún?
Tăng trưởng ngoạn mục
 
Có thể nói nghề sản xuất và chế biến, xuất khẩu cá tra, ba sa Việt Nam đạt mức tăng trưởng ngoạn mục. Cá tra, ba sa vốn là loài cá trước đây chủ yếu được sử dụng làm thực phẩm cho nông dân nghèo ở khu vực này. Nhưng trong một thời gian ngắn đã hình thành nghề nuôi cá tra, ba sa và phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa.
 
Nếu năm 1998, xuất khẩu các sản phẩm phi lê đông lạnh loài cá này mới bắt đầu từ thị trường Mỹ là nhiều nhất, chiếm 80% thị phần, thì đến năm 2003 đã xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế khác nhau. Trong vòng 10 năm gần đây, diện tích nuôi cá tra, ba sa tăng 7 lần (từ 1.200 ha lên 9.000 ha), sản lượng tăng 36,2 lần (từ 22.500 tấn lên 825.000 tấn), sản lượng các sản phẩm cá tra, ba sa chế biến xuất khẩu tăng hơn 40 lần (từ dưới 7.000 tấn lên 286.000 tấn), giá trị xuất khẩu tăng 37,4 lần (từ dưới 20 triệu USD lên 736,872 triệu USD).
 
Thứ trưởng Bộ Thủy sản Lương Lê Phương cho biết: Hiện nay, sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam đang xuất khẩu đến trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có thay đổi cơ bản, tạo nên sự cân bằng hơn về thị trường. Năm 2006: Giá trị sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU chiếm 46,6%, Nga xấp xỉ 11,3%, Hoa Kỳ 9,9%, ASEAN gần 8,5%, Trung Quốc và Hồng Kông 5,1%, Úc 4,2% và 14,4% các thị trường khác. Ông Phương cho rằng: “Những thành tích đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Điều chúng ta mong muốn hiện nay là được đóng góp nhiều thủy sản chất lượng cao hơn nữa phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước, mong muốn uy tín được nâng cao, vị trí vững chắc hơn nữa trên thương trường quốc tế và niềm tin của người tiêu dùng thế giới với thủy sản Việt Nam”.
 
Cần phạt nặng doanh nghiệp vi phạm VSATTP
 
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc lạm dụng chất tăng trọng, vi phạm các quy định về ghi nhãn sản phẩm…, thủy sản Việt Nam đã bị đối thủ nước ngoài lợi dụng, tác hại không nhỏ đến uy tín và quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, tình trạng manh mún trong nuôi thả hiện nay của ngành cá da trơn, khiến cho cạnh tranh nội bộ tăng cao, trong khi đó năng lực cạnh tranh quốc tế lại suy yếu dần. Hiện nay, đa số các nhà máy chỉ phát huy được 30-50% công suất thiết kế.
 
Ông Dương Ngọc Minh, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương (Tiền Giang) bức xúc: Nguyên liệu cho cá tra, ba sa hiện nay vẫn tiếp tục là vấn đề cần phải giải quyết, nếu không có quy hoạch nuôi cá cụ thể, rất hay xảy ra tình trạng lúc thừa lúc thiếu, giá bán không ổn định. Cụ thể là hiện tại giá cá tra, ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long là 13.000đ/kg.
 
Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK thủy sản An Giang cho rằng: Cá tra, ba sa Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, năm 2007 này dự kiến sản lượng sẽ là 1 triệu tấn, nhưng chúng ta cũng phải xem xét lại môi trường chăn nuôi cá đang rất khó kiểm soát. Cần phải có quy định cụ thể về mật độ nuôi thả, xử lý nước thải từ nuôi cá tra, ba sa… Đó là những vấn đề phát triển bền vững cho nghề nuôi cá nước ngọt, cần phải sớm có văn bản để quản lý.
 
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi cá tra, ba sa nói riêng phần lớn vẫn còn tự phát. Để gắn trách nhiệm của khu vực chế biến với phát triển chăn nuôi, giảm bớt căng thẳng về cân đối nguyên liệu với năng lực chế biến, doanh nghiệp khi thành lập nhà máy chế biến mới cần phải xây dựng vùng sản xuất và vùng cung ứng nguyên liệu tập trung. Doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi cá cần tạo ra sản lượng hàng hóa lớn chất lượng cao, gắn với tiêu chuẩn quốc tế và có thương hiệu. Đầu tư tài chính vào phát triển giống nuôi chất lượng cao, giám sát chất lượng nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm, phải cảnh báo được vấn đề ô nhiễm và dịch bệnh. Công khai các điều kiện an toàn môi trường để nuôi cá, xử phạt nặng đối với các cơ sở chế biến gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, giảm thiệt hại cho ngư dân. Xây dựng, phổ biến và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho sản xuất cá tra chất lượng cao. Tổ chức hướng dẫn, đào tạo cho doanh nghiệp hoạt động trong hiệp hội cá nước ngọt của VASEP. Xây dựng chuỗi sản xuất cá tra, ba sa gồm 5 khâu: Trại giống, nhà máy thức ăn, trại nuôi, nhà cung ứng thuốc và nhà máy chế biến xuất khẩu. Tránh tình trạng tự phát để dư lượng kháng sinh quá cao trong cá như một số vụ nảy sinh thời gian qua, làm ảnh hưởng đến uy tín thủy sản Việt Nam. Nên phát triển hệ thống bảo hiểm nuôi thủy sản, kêu gọi các ngân hàng, công ty bảo hiểm tham gia lĩnh vực này.
 
P.V
 
26/07/2007
 
Nguồn: vietrade
Quảng cáo sản phẩm