Xuất khẩu dăm gỗ sẽ bớt “nóng”

17/03/2023 04:07 - 101 lượt xem

Tình trạng khan hiếm năng lượng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới trong năm qua là yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt. Nhưng năm 2023, trước các yếu tố tác động tới tình hình xuất khẩu và sản xuất dăm gỗ trong nước dự kiến sẽ không còn xảy ra tình trạng “sốt” giá như trong năm 2022.

 

Nhiều biến động từ thị trường

 

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 dù có nhiều biến động nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản vẫn đạt hơn 17 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Mức tăng trưởng 7,1% trong năm 2022 là con số thấp nhất trong 10 năm qua nhưng đã thể hiện Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến quan trọng của các bạn hàng quốc tế. Năm 2023, ngành gỗ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7 - 9%, xuất khẩu 18 tỷ USD.

 

Năm 2022, lượng dăm gỗ xuất khẩu đạt 15,8 triệu tấn, tăng 16,2% so với năm 2021. Giá trị xuất khẩu đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Việc mở rộng xuất khẩu dăm gỗ trong thời gian qua chủ yếu do mức giá xuất khẩu tăng mạnh. Mức giá trung bình năm 2022 đã tăng hơn 38% so với năm 2021. Mức giá FOB xuất khẩu tăng từ khoảng 130 USD/tấn hồi đầu năm lên mức kỷ lục hơn 200 USD/tấn vào giai đoạn tháng 8 – tháng 10/2022. Tuy nhiên, từ tháng 10/2022 trở đi, giá dăm có dấu hiệu hạ nhiệt dù vẫn duy trì ở mức cao. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 95% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu.

 

Các yếu tố tác động

 

Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ và tổ chức Forest Trends, các tín hiệu về thị trường xuất khẩu dăm gỗ trong năm 2023 hiện chưa rõ ràng, tuy nhiên có thể thấy được một số yếu tố đang tác động tới tình hình xuất khẩu và sản xuất dăm gỗ trong nước.

 

Cụ thể, mức giá xuất khẩu năm 2023 có xu hướng giảm so với năm 2022. Giá xuất khẩu mặt hàng này trong các tháng đầu năm 2023 đang giảm so với các tháng trước đó. Theo thông tin đánh giá từ một số doanh nghiệp, đà suy giảm này có thể sẽ kéo dài tới hết quý 2/2023.

 

Ngoài ra, các thông tin về nhu cầu tiêu thụ dăm tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện cũng chưa rõ ràng, do vậy khó có thể đưa ra các đánh giá chính xác về biến động tại các thị trường này trong năm 2023. Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ dăm tại Nhật Bản và Hàn Quốc dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 bởi mặt hàng này được sử dụng để thay thế cho than làm nguyên liệu đầu vào sản xuất điện.

 

Bên cạnh đó, nguồn cung dăm và viên nén nội địa đặc biệt từ các cơ sở sản xuất đồ gỗ của Hàn Quốc năm 2023 có thể giảm. Từ đó, các cơ sở này phải thu hẹp quy mô sản xuất do kinh tế thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Sự suy giảm nguồn cung nội địa có thể đòi hỏi Hàn Quốc phải mở rộng lượng nhập khẩu trong thời gian tới.

 

Một yếu tố nữa, các cơ chế chính sách của Việt Nam về việc hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu chưa rõ ràng cũng tác động đến tình hình xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam. Tình trạng doanh nghiệp dăm không thể hoàn thuế GTGT đã diễn ra trong năm 2022 và đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc đọng vốn do chưa được hoàn thuế khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành đang cân nhắc về các hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong tương lai. Nếu xảy ra trường hợp trên có thể sẽ tác động tới sản xuất và xuất khẩu của ngành dăm gỗ.

 

Năm 2023 dự kiến sẽ không còn xảy ra tình trạng “sốt” nguyên liệu đầu vào cho dăm và tình trạng khai thác rừng non, tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp dăm như trong năm 2022. Bên cạnh đó, xuất khẩu ván bóc sang thị trường Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục. Sản xuất ván bóc (và ván ép) chủ yếu tập trung ở các địa phương nơi có các diện tích rừng trồng phát triển.

 

Sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất ván bóc (ván ép) được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho dăm (và viên nén). Xuất khẩu ván bóc hồi phục khuyến khích việc khai thác rừng, từ đó thúc đẩy nguồn nguyên liệu cho dăm phát triển. Theo ông Oemar Idoe, Quản lý các dự án GIZ về môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp tại Việt Nam, do Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 108 quốc gia trên thế giới nên việc phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển ngành sản xuất chuỗi giá trị gỗ phát triển bền vững.

 

“Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực tạo ra môi trường thúc đẩy quản trị rừng tốt để việc truy xuất nguồn gốc gỗ và thương mại bền vững trong quá trình triển khai hệ thống trách nhiệm giải trình và tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế được thuận lợi. Để đáp ứng được yêu cầu này, cần có đủ nguồn lực để phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường những năng lực cần thiết. Đưa được nhiệm vụ số hóa vào một trong những dòng ngân sách thường xuyên của quốc gia là hành động then chốt để có thể đảm bảo việc giám sát thương mại gỗ và thực thi pháp luật...”, ông Oemar Idoe cho biết.

 

Nguồn: Tạp chí Hải quan

Quảng cáo sản phẩm